Mỹ tuyên bố trong thập niên tới, không quân nước này sẽ sử dụng robot để điều khiển một số máy bay quân sự.
Tiêm kích VISTA - máy bay đầu tiên được trí tuệ nhân tạo làm phi công điều khiển (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, ngày 30/5 cho biết, một số lượng máy bay trong Không quân nước này sẽ không cần tới phi công là con người trong vòng 10-15 năm tới, khi công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những bước đột phá.
"Chúng tôi đã sử dụng robot trong quân đội. Bạn thấy máy bay không người lái giống như một dạng robot. Hiện chúng tôi đang thử nghiệm (công nghệ không người lái) với các tàu nổi và tàu ngầm trong Hải quân. Trong vòng 10-15 năm tới, Không quân Mỹ sẽ ứng dụng robot thay thế một phần con người để điều khiển vũ khí. Hầu hết các máy bay sẽ được tích hợp một loại robot nào đó để điều khiển và sẽ có tương tác người - máy móc", ông nói.
Ông Milley cho biết, trong tương lai, Mỹ sẽ được trang bị các phương tiện mặt đất không người lái - một loại robot chiến đấu - nhằm giảm thiểu thương vong quá trình di chuyển của các đoàn xe ở khu vực chiến sự.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo, robot, hỏa lực chính xác và khả năng giám sát nâng cao sẽ tạo ra sự thay đổi cơ bản trong hoạt động tác chiến tương lai.
Hồi tháng 2, cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) thông báo, một máy bay chiến đấu F-16 của nước này đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm do AI điều khiển lần đầu tiên trong lịch sử.
Không chỉ lái máy bay, AI thậm chí đã tham gia vào một cuộc diễn tập giả lập tấn công mục tiêu. Đây được xem là diễn biến đánh dấu một bước đột phá quan trọng của ngành quốc phòng Mỹ trong việc phát triển các năng lực liên quan tới AI trong hoạt động tác chiến tương lai.
Cùng với phi công là người thật trong buồng lái, 2 chương trình AI đã điều khiển chiếc tiêm kích F-16 thực hiện 12 cuộc thử nghiệm hồi tháng 12 năm ngoái ở căn cứ Edwards, bang California.
Chiếc tiêm kích tham gia thử nghiệm là F-16 hai chỗ ngồi được chỉnh sửa, với tên gọi "VISTA", theo DARPA. VISTA được cải tiến để AI có thể điều khiển nó. Ngoài ra, máy bay này cũng có thể bắt chước các đặc tính của các dòng máy bay khác nhau, bao gồm F-16 và máy bay không người lái MQ-20, nhằm phục vụ hoạt động huấn luyện và thử nghiệm.
Một thông cáo báo chí do DARPA công bố có nội dung: "Trong vòng chưa đầy 3 năm, các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển theo chương trình Nâng cấp Không chiến (ACE) của DARPA đã đạt bước tiến từ việc điều khiển những chiếc F-16 mô phỏng trên màn hình máy tính sang điều khiển một chiếc F-16 chiến đấu ngoài đời thực".
DARPA kết luận, công nghệ AI của Mỹ có thể điều khiển một máy bay chiến đấu trên thực tế.
Trong khi đó, các đối thủ chiến lược của Mỹ như Nga và Trung Quốc cũng đang tham gia vào cuộc đua về ứng dụng AI trong vũ khí.
Trong thời gian qua, các chuyên gia quân sự nhận định, sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo được dự đoán sẽ trở thành tương lai của tác chiến hiện đại, nhưng cũng gây ra những lo ngại về mối đe dọa của dòng vũ khí này. Một số chuyên gia về AI cảnh báo rằng nếu con người không có các biện pháp kiểm soát, sự phát triển bùng nổ về công nghệ có thể gây đe dọa tới chính nhân loại.
Theo Đức Hoàng/Dân trí (nguồn Sputnik)
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-cong-bo-ke-hoach-tham-vong-de-robot-lai-may-bay-quan-su-20230531074024318.htm