24
/
148009
Quan điểm mới của Nhật Bản về hòa bình
quan-diem-moi-cua-nhat-ban-ve-hoa-binh
news

Quan điểm mới của Nhật Bản về hòa bình

Thứ 3, 30/05/2023 | 10:16:18
1,997 lượt xem

Quan điểm của người Nhật Bản đối với tìm kiếm và đảm bảo hòa bình đang dần thay đổi trong 10 năm trở lại đây.

Lực lượng tuần duyên Philippines, Mỹ tham gia diễn tập liên lạc và chống cướp biển ở eo biển Sibutu (Philippines) vào tháng 11-2021 - Ảnh: Tuần duyên Philippines

Lực lượng tuần duyên Philippines, Mỹ tham gia diễn tập liên lạc và chống cướp biển ở eo biển Sibutu (Philippines) vào tháng 11-2021 - Ảnh: Tuần duyên Philippines

Trong nhiều năm, giới tinh hoa Nhật Bản tin rằng hòa bình sẽ được đảm bảo bằng trung lập - một sự ám ảnh bởi những ràng buộc sau Thế chiến thứ 2. Những bộ não mới đứng sau việc xây dựng chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thế kỷ 21 đã được yêu cầu phải thoát khỏi "chiếc hộp" đó.

Một liên minh phi chính thức Mỹ - Nhật - Philippines đang dần thành hình tại Tây Thái Bình Dương mà Tokyo là mắt xích quan trọng. Quan điểm của người Nhật đối với tìm kiếm và đảm bảo hòa bình đang dần thay đổi trong 10 năm trở lại đây.

Hòa bình thông qua răn đe

Năm 2012, Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ và sau đó các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra trên hơn 100 thành phố Trung Quốc. 

Một năm sau đó, Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản (NSC) ra đời. Phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc thành lập cơ quan mới này.

Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo đã yêu cầu các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Kinh tế và Lực lượng phòng vệ cử những người giỏi nhất vào ban thư ký của NSC. 

Theo báo Nikkei Asia, các nhân viên của NSC (hiện khoảng 110 người) đã được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược không bị ràng buộc bởi nỗi ám ảnh của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2 là phải trung lập địa chính trị. 

Trong 10 năm sau khi NSC hoạt động, tiếng nói của Tokyo trong các vấn đề địa chính trị quốc tế đã tăng lên đáng kể.

"Trong nhiều năm, người dân Nhật Bản nghĩ rằng con đường dẫn đến hòa bình là trung lập. Nhưng ngày càng rõ ràng rằng hòa bình sẽ không được thiết lập bởi Nhật Bản, bằng tay không và tự cam kết trung lập. Hòa bình đến từ việc nhìn thẳng vào cán cân quyền lực khu vực và tạo ra sự răn đe", một quan chức cấp cao của NSC nói với Nikkei Asia nhưng đề nghị không nêu tên. 

Tổ chức của NSC dựa trên mô hình của Anh, vốn chỉ mới được thành lập vào năm 2010.

Một phái đoàn gồm bốn thành viên, trong đó có ông Ryoichi Oriki, cựu sĩ quan hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, đã dành năm ngày ở London. 

"Chúng tôi biết rằng điều quan trọng là NSC phải là cơ quan ra quyết định, không chỉ là nơi thảo luận hay phối hợp", ông Oriki nói. Điều này đồng nghĩa những kết luận tại NSC sẽ đi thẳng đến cấp cao nhất, không thông qua bộ ngành nào nữa để cho ý kiến.

Diễn tập hàng hải Mỹ - Nhật - Philippines

Vào tháng 4-2023, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, đô đốc Ryo Saka, đã có chuyến thăm sáu ngày đến Úc. 

Trong chuyến thăm, ông Saka đã thị sát một căn cứ tàu ngầm của Úc, nơi các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Canberra sẽ đồn trú. Ông cũng nói về việc cần phải có sự phân chia vai trò và hợp tác để đảm bảo ổn định khu vực.

Việc tăng cường quan hệ với Úc là một phần trong nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD) gồm: Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Ông Ashley Townshend, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho biết mặc dù vẫn đang trong giai đoạn đầu của quan hệ đối tác quốc phòng, chuyến thăm của ông Saka có thể dẫn đến việc Úc và Nhật Bản cuối cùng sẽ sử dụng các cơ sở của nhau để tiếp nhiên liệu, tái vũ trang, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu và hộ tống các tàu và máy bay của nhau.

Xa hơn về phía đông bắc, tại Philippines, Nhật Bản cũng đang xây dựng một mối quan hệ ba bên gồm: Mỹ - Nhật - Philippines. Mặc dù là đồng minh hiệp ước, quan hệ Mỹ - Philippines thường hứng chịu nhiều rủi ro hơn quan hệ Nhật - Philippines. Điều này đã được thể hiện rõ dưới thời Tổng thống Rodrigo Duteters.

Do đó, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi Tokyo thay mặt Washington củng cố liên minh với Manila. Một nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) thậm chí còn đề xuất Nhật Bản nên đầu tư nhiều hơn vào Philippines, giúp Manila đảm bảo an ninh và tự cường kinh tế.

Kể từ năm 2012, Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra cho Philippines bên cạnh xây dựng năng lực thực thi pháp luật trên biển cho Manila. Thông báo ngày 29-5 của Tuần duyên Philippines đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ hai bên. 

Theo đó, lực lượng tuần duyên Nhật Bản, Mỹ và Philippines sẽ lần đầu tiên tổ chức diễn tập chung ngoài khơi bán đảo Bataan từ ngày 1 đến 7-6 này. Mặc dù Manila trấn an nó không liên quan gì đến những gì vừa xảy ra trên Biển Đông, khu vực diễn tập đối diện Biển Đông lại cho thấy điều ngược lại.

Việc hiện thực hóa diễn tập ba bên Mỹ - Nhật - Philippines diễn ra rất nhanh chóng, chỉ vài tháng sau khi điều này được nhắc đến trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ferdinand Marcos sau chuyến thăm Nhà Trắng. Manila cũng đang tìm cách thiết lập cơ chế ba bên gồm Mỹ - Úc - Philippines trong tương lai.

Theo truyền thông Nhật Bản, Tokyo còn mong muốn lớn hơn thế. Nhật Bản đang thúc đẩy hình thành một QUAD (bộ tứ kim cương) mới gồm: Mỹ, Nhật, Úc và Philippines với trọng tâm là đối phó với các diễn biến đáng lo ngại trên biển và đảo Đài Loan. Trong đó Nhật Bản giữ vai trò nòng cốt, giống như cách nước này đã thúc đẩy khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" tự do và rộng mở vào năm 2016.

Răn đe tích hợp ở châu Á

Những gì Nhật Bản đang theo đuổi phù hợp với hướng đi của Mỹ là hiện thực hóa khả năng "răn đe tích hợp" tại châu Á. Đó không chỉ bao gồm các lực lượng chính quy trên đất liền, trên biển và trên không, mà còn tập trung vào không gian mạng, vũ trụ và tác chiến điện tử.

Răn đe tích hợp cũng đòi hỏi năng lực sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao thông qua tập hợp các nước cùng chí hướng.

Theo Duy Linh/Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/quan-diem-moi-cua-nhat-ban-ve-hoa-binh-20230529231246384.htm

  • Từ khóa

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024

Sáng 16/4, tại buổi họp báo do Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc đã công bố các chỉ số phát triển kinh...
16:34 - 16/04/2024
78 lượt xem

Tâm trạng hoang mang của người dân Iran khi Israel thề trả đũa

Nhiều người dân Iran tỏ ra hoang mang trước khả năng Israel tấn công trả đũa vụ Tehran bắn UAV và tên lửa vào các mục tiêu tại Israel cuối tuần qua.
15:51 - 16/04/2024
86 lượt xem

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc, ông Tập nêu điều kiện phát triển quan hệ ổn định

Ngày 16-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định, miễn là cả hai đều tôn...
14:49 - 16/04/2024
122 lượt xem

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck sẽ được "chào đón" nếu hồi hương

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã lên tiếng sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nói muốn em gái mình, bà Yingluck Shinawatra, về nước trong năm...
11:17 - 16/04/2024
204 lượt xem

CEO Apple Tim Cook mang gì đến Việt Nam?

Làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay 16-4, dự kiến CEO Tim Cook sẽ đưa ra các đề xuất liên quan đầu tư của Apple tại Việt Nam.
09:22 - 16/04/2024
247 lượt xem