Hàng ngàn tòa nhà đổ sập khiến hơn 17.000 người chết sau động đất năm 1999 vẫn là ký ức đau thương với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bài học năm 1999 trở lại tâm điểm chú ý sau thảm họa tương tự hôm 6/2.
Những người phụ nữ đứng gần tòa nhà đổ nát sau động đất mới đây ở Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).
Sau thảm họa động đất kinh hoàng năm 1999, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từng cam kết đưa ra các quy định xây dựng chặt chẽ cũng như áp dụng "thuế động đất" để cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó ở một quốc gia nằm trên hai đường đứt gãy địa chất lớn.
Tại thời điểm đó, phản ứng chậm của chính phủ đã "giúp" đảng Công lý và Phát triển (AKP) của đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên nắm quyền.
Lúc đó, đảng này mới thành lập và sau đó đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2002 với thế đa số áp đảo khi đi cùng đó là lời hứa hẹn về sự minh bạch và xây dựng lại nền kinh tế bị hủy hoại bởi sự sụp đổ của thị trường chứng khoán.
Nhưng gần 24 năm sau, khi trận động đất và hàng ngàn dư chấn thậm chí còn tàn khốc hơn xảy ra hôm 6/2, người dân trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tìm kiếm những người thân mất tích mà còn tìm kiếm câu trả lời. Bởi thực tế cho thấy, thảm họa động đất hôm 6/2 lại cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể rút ra bài học năm đó về công tác kiểm tra, giám sát an toàn xây dựng. Con số người tử vong cao chóng mặt được tìm thấy dưới những tòa nhà đổ nát lộ rõ hệ thống xây dựng yếu kém.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phát lệnh bắt hơn 100 người liên quan tới các tòa nhà sập, trong đó có nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư.
Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, giới chức đã xác định 131 nghi phạm chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tại 10 tỉnh bị động đất ảnh hưởng.
"Chúng tôi đã phát lệnh bắt 113 người", ông Oktay nói trong cuộc họp báo ở trung tâm điều phối thảm họa tại Ankara hôm 12/2. "Chúng tôi sẽ điều tra vấn đề kỹ lưỡng tới khi đưa ra thủ tục tố tụng cần thiết, đặc biệt với các tòa nhà thiệt hại nặng nề gây thương vong".
Bộ Tư pháp cũng đã thành lập văn phòng điều tra tội phạm liên quan đến động đất ở các vùng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Môi trường Murat Kurum cho biết, theo đánh giá sơ bộ, có hơn 170.000 tòa nhà khắp miền nam đất nước, 24.921 tòa bị sập hoặc hư hỏng nặng nề do động đất.
Hệ thống xây dựng yếu kém
Sau một trận động đất khác vào năm 2011 khiến hàng trăm người chết, ông Erdogan, khi đó là thủ tướng, đã quy trách nhiệm nguyên nhân khiến số người thiệt mạng cao là do xây dựng yếu kém. "Các thành phố, nhà thầu và giám sát viên giờ đây nên thấy rằng sự cẩu thả của họ có thể dẫn đến chết người", ông Erdogan nói khi đó.
Hiện nay, với hơn 40.000 người thiệt mạng chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 1 triệu người mất nhà cửa, rõ ràng việc thực thi lỏng lẻo các quy tắc xây dựng lại một lần nữa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng này.
Tổng thống Erdogan đã coi xây dựng là động lực của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn phụ thuộc vào tín dụng nước ngoài giá rẻ tài trợ cho các đường cao tốc mới, bệnh viện, các tòa tháp dân cư và thương mại trên khắp đất nước cho đến khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ vào năm 2018.
Trên giấy tờ, các tiêu chuẩn an toàn xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những tiêu chuẩn tốt nhất trên thế giới. Chúng được cập nhật thường xuyên với các quy tắc cụ thể cho các khu vực dễ xảy ra động đất.
Hàng ngàn tòa nhà đổ sập khiến hàng chục ngàn người chết trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999 (Ảnh: Daily Sabah).
Bê tông phải được gia cố bằng thép, và các bức tường và cột chịu lực phải được phân bố sao cho tránh hiện tượng "bánh kếp", khi các tầng chồng chất lên nhau sau khi đổ sập theo phương thẳng đứng.
Tuy nhiên, các nhà địa chất, nhà quy hoạch đô thị, kiến trúc sư và chuyên gia ứng phó động đất của Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế đã cảnh báo trong nhiều năm rằng, thậm chí nhiều công trình kiến trúc hiện đại trên khắp đất nước cũng trở thành đống đổ nát vì các quy tắc xây dựng không được tuân thủ đúng cách.
Các hành động vi phạm không bị trừng phạt đủ mạnh khiến các công ty xây dựng và nhà đầu tư phần lớn đã bị phớt lờ vì giải quyết sẽ rất tốn kém. Một báo cáo dẫn tuyên bố từ Bộ Môi trường và Đô thị Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2018 cho biết, hơn 50% tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm các quy định an toàn.
Đồng thời, dân số ở nhiều khu vực bị tàn phá nặng nề nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên trong thập kỷ qua do hàng triệu người tị nạn từ nước láng giềng Syria. Ngân sách chính phủ không rõ khoản thuế động đất - ước tính đã huy động được 3 tỷ USD kể từ thảm họa năm 1999 - đã được sử dụng như thế nào.
Hakan Suleyman, nhà nghiên cứu thuộc khoa kỹ thuật động đất tại Đại học Bogazici ở Istanbul, cho biết việc thực thi đúng các quy tắc an toàn đồng nghĩa sẽ mang đến một "bức tranh hoàn toàn khác bây giờ".
"Số người chết sẽ giảm đi rất nhiều vì các tòa nhà được thiết kế để chịu được động đất sẽ ít bị sập hơn. Thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng sẽ được giảm thiểu, điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi", ông nói. "Về lâu dài, đầu tư vào các tòa nhà chống động đất không chỉ cứu được mạng sống con người mà còn giảm tổng chi phí phục hồi và tái thiết sau thảm họa".
Giáo sư Ovgun Ahmet Ercan, thành viên của ban cố vấn động đất thuộc phòng kỹ sư địa vật lý Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận định mặc dù ông đã đối phó với động đất trong 53 năm nhưng chưa bao giờ trải qua thảm họa như thế này trước đây. "Đúng là chúng tôi lường trước được một trận động đất kinh hoàng như vậy tại khu vực này. Nhưng sự tàn phá phần lớn là do lỗi của con người", ông nói.
Tổng thống Erdogan đã cam kết rằng việc tái thiết sẽ hoàn thành trong một năm, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây là nhiệm vụ dường như bất khả thi với quy mô tàn phá trên một khu vực rộng lớn. Khi các cuộc bầu cử quốc gia được lên kế hoạch vào tháng 5 tới, việc xử lý hậu quả động đất giờ đây trở thành một phép thử quan trọng sau 20 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/bai-hoc-dau-xot-voi-nganh-xay-dung-tho-nhi-ky-nhin-tu-tham-hoa-dong-dat-20230213225941678.htm