Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có mặt tại Brussels (Bỉ) để dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9 tới 10-2.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Brussels vào ngày 9-2 - Ảnh: Reuters
Ông Zelensky có hai mục tiêu lớn tại Brussels: kêu gọi sự ủng hộ và viện trợ thêm vũ khí; thúc giục 27 nước EU chấp thuận cho Kiev tiến hành đàm phán gia nhập khối.
Thận trọng về viện trợ quân sự
Theo đánh giá của giới quan sát, cả hai mục tiêu này đều khó thành công, ít nhất trong dịp này. EU nhiều khả năng chưa có quyết định về yêu cầu viện trợ máy bay chiến đấu tiên tiến và tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Brussels đã công nhận tư cách ứng viên EU cho Ukraine từ giữa năm ngoái, nhưng tiến trình gia nhập sẽ mất nhiều năm.
Ngày 9-2, đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho biết EU cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho rằng EU phải nhanh chóng cân nhắc việc cung cấp máy bay chiến đấu và vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Câu chuyện lại có chút khác biệt ở từng nước thành viên EU. Giống như Mỹ, lãnh đạo các nước châu Âu vẫn thận trọng khi đề cập việc cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 9-2, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết nước này không loại trừ bất kỳ hình thức viện trợ quân sự nào cho Ukraine, nhưng lưu ý "miễn là không xảy ra tình trạng phải tính tới điều 5 giữa NATO và Nga".
Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho phép kích hoạt phòng thủ chung giữa các thành viên NATO khi một thành viên bị tấn công. Điều này khiến NATO không thể can dự quá mức vì lo ngại xung đột Ukraine - Nga lan rộng.
Đây cũng là lý do khi xét tới các khoản viện trợ nhạy cảm như máy bay chiến đấu, các nước như Ba Lan liên tục nhấn mạnh mọi quyết định đều phải xuất phát từ sự thống nhất của NATO.
Một trong những biểu hiện cho thấy sẽ rất khó để Ukraine thuyết phục các nước EU hỗ trợ máy bay chiến đấu là phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Cùng ngày 9-2, ông khẳng định không hề thảo luận về vấn đề trên với ông Zelensky khi hai người gặp nhau ở Paris trước đó một ngày.
Bài toán cũ của EU
Sự lệch pha giữa "EU với tư cách một khối thống nhất" và quyết định của từng thành viên phản ánh vấn đề căn bản trong chính sách của họ.
Vì vậy có thể thấy màn gặp gỡ ở Brussels một lần nữa là bài kiểm tra cho cách EU đạt đồng thuận trong vấn đề Ukraine hay thậm chí là mức độ đoàn kết của khối này.
Trước khi đến Brussels, tổng thống Ukraine đã tới Anh và Pháp trong hai sự kiện bị cho là "bất ngờ". Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ông Zelensky tới thị sát việc huấn luyện lính Ukraine tại khu vực tây nam nước Anh, đồng thời nhấn nhá về khả năng Anh cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Đây là chi tiết diễn tả cách thức Anh dễ dàng ra quyết định sau khi rời khỏi EU (Brexit).
Trên thực tế, ngay cả Tổng thống Pháp Macron, người tuyên bố "Ukraine có thể trông cậy vào Pháp" để chiến thắng, cũng có quan điểm khác biệt về cách cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc.
Ông Macron từng gây xôn xao vì phát biểu cho rằng nên tôn trọng nguyện vọng của Nga khi đàm phán hòa bình.
Hiện chính quyền ông Macron được xem là một trong những lựa chọn làm trung gian và kênh liên lạc cho đàm phán hòa bình Nga - Ukraine. Rất có thể điểm đáng chờ đợi nhất của cuộc họp ở Brussels chính là quan điểm của các bên cho con đường hòa bình sắp tới, chứ không phải những cam kết đã được dự đoán.
Nga cảnh báo phương Tây
Ngày 9-2, khi được hỏi về việc ông Zelensky đề nghị các nước phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu tiên tiến cho Kiev, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bất cứ việc chuyển giao máy bay nào cũng không làm thay đổi cách tiếp cận của Nga.
Ông Peskov khẳng định chính người Ukraine mới là bên gặp rắc rối nếu phương Tây gửi máy bay cho Kiev.
Theo Nhật Đăng/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/eu-giai-bai-toan-ukraine-20230210004408294.htm