Trước thềm cuộc họp kín với Trung Quốc, một số chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu dữ liệu từ Trung Quốc về các biến chủng mới, cũng như số người nhập viện.
Cuộc họp của một ủy ban đặc biệt do WHO thành lập với Trung Quốc hôm 3-1 không công khai thông tin cho truyền thông nhưng một số chuyên gia từ ủy ban WHO đã tiết lộ các lo ngại và yêu cầu họ sẽ đưa ra trước thềm cuộc họp, trong cuộc phỏng vấn với Reuters.
Theo giáo sư Marion Koopmans, nhà virus học người Hà Lan, thành viên ủy ban, nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn thấy một bức tranh thực tế hơn về những gì đang thực sự diễn ra". Bà cũng nói rằng một số dữ liệu từ Trung Quốc, chẳng hạn số ca nhập viện, là "không đáng tin cậy lắm".
Giáo sư Koopmans cho rằng việc đưa ra các thông tin đáng tin cậy hơn là vì lợi ích của chính Trung Quốc.
Bệnh viện Trung Sơn ở Thượng Hải - Trung Quốc hôm 3-1 có nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang - Ảnh: REUTERS
Một thành viên khác của ủy ban WHO là giáo sư Tulio de Oliveira, một nhà khoa học Nam Phi, cho biết nhóm của ông đã phát hiện ra một số biến chủng mới. Ông cho biết tất nhiên sẽ rất tốt nếu có thêm thông tin từ Trung Quốc, dù là các phát hiện của ông và cộng sự cũng giúp suy đoán và áp dụng trong việc theo dõi dịch tễ toàn cầu.
Cho đến nay, dữ liệu trình tự gien SARS-CoV-2 từ Trung Quốc gửi về cơ sở dữ liệu chung toàn cầu GISAID cho thấy các biến chủng đang lưu hành ở đó là các nhánh Omicron phù hợp với các dòng ưu thế trên phần còn lại của thế giới.
Giáo sư Koopmans cho biết họ chỉ thấy "một phần rất nhỏ" về các ca COVID-19 ở Trung Quốc bởi nước này cho đến nay chỉ giải trình tự khoảng 700 mẫu gửi về GISAID.
Đây là một tỉ lệ rất nhỏ với dân số Trung Quốc bởi theo các báo cáo dịch tễ của WHO trước đây, hàng tháng luôn có từ trên 100.000 đến vài trăm ngàn trình tự gien được tổng hợp từ khắp thế giới được gửi về GISAID.
Giám sát trình tự gien giúp các nhà khoa học biết được những dòng virus nào đang gây ra làn sóng và kịp thời phản ứng nếu xuất hiện một biến chủng mới có khả năng thay đổi quỹ đạo đại dịch như Delta hay Omicron "gốc"; trong khi dữ liệu nhập viện giúp đánh giá về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) của dòng virus đang lưu hành.
Hầu hết EU ủng hộ xét nghiệm hành khách từ Trung Quốc Sau cuộc họp hôm 3-1, Ủy ban An ninh Y tế của Liên minh châu Âu (EU), tập hợp các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia thành viên, cho biết hầu hết khối này đều ủng hộ xét nghiệm COVID-19 đối với hành khách từ Trung Quốc. Ngoài ra, một số biện pháp bổ sung như khuyến nghị đeo khẩu trang, giám sát nước thải, lấy mẫu để giải trình tự gien virus... cũng được đề xuất với các chuyến bay từ Trung Quốc. "Những biện pháp này cần phải được nhắm mục tiêu vào các chuyến bay và sân bay phù hợp nhất và được phối hợp để đảm bảo hiệu quả" - người phát ngôn của Ủy ban EU cho biết. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/who-phat-hien-bien-chung-moi-keu-goi-du-lieu-thuc-te-tu-trung-quoc-20230104082158532.htm