Tuy không trực tiếp chiến đấu, song những người lính cứu hỏa Ukraine ở mặt trận khốc Bakhmut khốc liệt nhất cũng luôn phải đối mặt với khó khăn, thách thức và mối đe dọa đến tính mạng.
Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại một chung cư ở Bakhmut sau một trận tập kích của Nga hôm 7/12/2022 (Ảnh: Reuters).
Tại thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine, một trưởng nhóm cứu hỏa đang tập hợp các thành viên trước quốc kỳ Ukraine và chúc họ một năm mới bình an. Đối với nhóm 9 người thường xuyên túc trực tại trạm cứu hỏa ở trung tâm Bakhmut này, 2022 là một năm của thuốc súng và khói lửa. Họ được cử tới mặt trận Donetsk, nơi Bakhmut đang là tâm điểm của cuộc giao tranh.
Tuy nhiên, đội trưởng Oleksiy Migrin, một người vui tính và tốt bụng, gần như không bao giờ kêu than.
"Năm 2022 thật khó khăn đối với mỗi người dân nói riêng và cả Ukraine nói chung. Hãy tự chăm sóc bản thân và nhớ rằng gia đình đang chờ bạn. Năm tới, chúng ta sẽ giành thắng lợi", Migrin nói với đội cứu hỏa của mình.
Đội cứu hỏa này đang làm nhiệm vụ ở một trong những điểm nóng giao tranh tại miền đông Ukraine, nơi các lực lượng Nga và thân Nga đang tìm cách kiểm soát Bakhmut suốt 6 tháng qua. Bên trong trạm cứu hỏa, họ ngồi uống cà phê gần các thùng viện trợ nhân đạo được chuyển từ Kiev tới nhét đầy chăn lông vũ, dụng cụ y tế và bánh ngọt.
Cả lực lượng của Nga và Ukraine tại đây đều bị tổn thất nặng nề. Bakhmut với dân số khoảng 70.000 người vốn là một thành phố xinh đẹp tràn ngập cây cỏ hoa lá trước cuộc xung đột, nay bị tàn phá khủng khiếp, không khác vùng đất bỏ hoang.
"Không còn bất kỳ dấu hiệu nào của nền văn minh ở ngoài kia", bà Nadya Petrova, người mà nhiều tháng nay đã phải sống trong tầng hầm, nói.
Theo đội trưởng Migrin, hàng nghìn dân thường vẫn mắc kẹt ở thành phố Bakhmut, khoảng 10.000 người đang phải sống trong điều kiện tồi tệ. "Họ không có phương tiện để di tản. Nhà cửa bị phá hủy, và căn hầm là tất cả những gì họ còn lại", ông cho biết.
Nói về công việc hàng ngày của mình, 9 lính cứu hỏa trong đội của ông Migrin cho biết họ phải gỡ mìn, sơ tán, dập lửa, cung cấp nước hay dọn dẹp đống đổ nát. Cũng có những đồng đội từ khắp khu vực Donetsk đến hỗ trợ, song họ lại sợ quá nhiều người tập trung tại một địa điểm.
Nikita Nedylko, phó đội trưởng của trạm cứu hỏa, giải thích: "Điều đó quá nguy hiểm". Ông cho biết, 11 lính cứu hỏa đã thiệt mạng ở khu vực Donetsk kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ở Bakhmut, một thành viên trong đội đã thiệt mạng khi bị một bức tường đổ sập xuống trong lúc dọn dẹp sau một trận oanh tạc.
Giờ đây, nhóm thực hiện nhiệm vụ luân phiên hai ngày và sau đó nghỉ một ngày ở các thị trấn an toàn hơn cách tiền tuyến vài km.
Điều khó khăn nhất
Nedylko, 30 tuổi, là người gốc Bakhmut và có một cậu con trai một tuổi. Gia đình anh đã sơ tán về Dnipro, cách thành phố Bakhmut 260km về phía tây. Hai tháng một lần anh lại về thăm gia đình mình.
Anh cho biết, một trong những điều khó khăn nhất trong khi làm nhiệm vụ là phải đối mặt với sức nặng của cảm xúc. "Chúng tôi phải trải qua rất nhiều đau đớn và khổ sở. Chúng tôi không hề có kinh nghiệm với điều đó", anh nói với AFP.
Anh nhớ lại lần cả đội phát hiện một người mẹ đang ôm cô con gái thiệt mạng dưới đống đổ nát, và họ không biết phải báo tin cho người chồng như thế nào. Nedylko cho biết, lúc nào họ cũng phải căng tai để lắng nghe tiếng kêu cứu của mọi người.
Đối với Nedylko, một hành động sai lầm nhỏ nhất của họ có thể phải trả giá bằng cả một mạng sống. "Điều khó khăn nhất là chứng kiến mọi người chết ngay trước mắt. Điều buồn nhất là nhìn thấy những đứa trẻ côi cút ở lại".
Theo Minh Phương/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/cuoc-chien-cua-nguoi-linh-khong-vu-khi-tren-tien-tuyen-ukraine-20230102064814339.htm