"Đây không chỉ là một vấn đề về tình đoàn kết hay sự hào phóng. Đó là một lời chất vấn về công lý" - UN News dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres ngày 10-9
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres ngày 10-9 đã có chuyến thực địa đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt tại 2 tỉnh Sindh và Balochistan của Pakistan.
Ông đã lên tiếng mạnh mẽ về việc "bồi thường khí hậu" mà nhiều tổ chức và cá nhân nhắc đến gần đây: Nghĩa vụ của các quốc gia phát triển và phát thải gây biến đổi khí hậu nhiều nhất đối với các quốc gia tuy phát thải ít nhưng phải gánh chịu thảm họa nặng nề do vị trí địa lý.
Hãng tin AP dẫn lời người đứng đầu LHQ: "Các nước phát triển phải tăng cường và cung cấp cho Pakistan cũng như các nước khác ở "tuyến đầu" những nguồn lực tài chính, kỹ thuật mà họ cần để sống sót qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Tôi kêu gọi các chính phủ giải quyết vấn đề này tại COP 27 (Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của LHQ, tổ chức vào tháng 11) với mức độ nghiêm túc".
Một cậu bé bên số đồ đạc ít ỏi mà gia đình mang theo được khi lũ tàn phá ngôi nhà của họ ở Bhan Syedabad - Pakistan Ảnh: REUTERS
Bình luận của ông Guterres được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo rằng các đảo và quốc gia ven biển châu Phi, nơi 116 triệu người đang sinh sống, sẽ chịu thiệt hại lên tới 50 tỉ USD vào năm 2050 vì nước biển dâng.
Trong khi đó, 50 năm hạn hán vừa qua ở vùng Sừng châu Phi, trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu, đã cướp đi sinh mạng hơn nửa triệu người, thiệt hại 70 tỉ USD. Hơn 1.000 trận lũ lụt trong cùng thời gian đã cướp đi sinh mạng hơn 20.000 người.
Cũng theo báo cáo của WMO, tổng thiệt hại lớn nhất sẽ rơi vào châu Á, nơi "cú phạt đền của khí hậu" sẽ tạo nên bầu không khí tích tụ đầy khí nhà kính độc hại, tàn phá sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Những điều này đã khuấy động lời kêu gọi về "bồi thường khí hậu" từ các nước phát triển. Đó cũng là "lời chất vấn về công lý" mà ông Guterres nhắc đến - trước nhất là cho Pakistan.
Các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi, vùng Caribean, châu Mỹ Latin và Thái Bình Dương cũng liên kết lại trong một khối gọi là "Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương do khí hậu" để tìm hướng giải quyết và tìm kiếm bồi thường.
Khối này đang do Ghana làm chủ tịch, tập hợp 48 quốc gia đang phát triển nhạy cảm với khí hậu nhất thế giới, tổng dân số 1,2 tỉ người nhưng tỉ lệ phát thải chỉ là 5% toàn cầu.
Hôm 9-9, các bộ trưởng châu Phi họp tại Cairo - Ai Cập để chuẩn bị cho COP 27 cũng đã kêu gọi mở rộng mạnh mẽ nguồn tài chính khí hậu cho lục địa của họ, đồng thời lùi thời hạn phải rời bỏ nhiên liệu hóa thạch. Lời kêu gọi được đưa trước thực tế đây là vùng phát thải carbon thấp và chỉ được hưởng lợi dưới 5,5% nguồn tài chính cho khí hậu toàn cầu.
Mùa hè thảm họa
Theo Reuters, báo cáo mới nhất từ chính quyền Pakistan đưa ra trong chuyến thăm của Tổng Thư ký LHQ cho thấy thiệt hại do lũ lụt đã lên tới 30 tỉ USD, số người tử vong vượt mốc 1.400.
Dù chưa tàn khốc như những gì Pakistan, Sừng châu Phi... đang gánh chịu, các nước Âu - Mỹ cũng đã "thấm đòn" thảm họa khí hậu trong mùa hè vừa qua. Báo cáo từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy Mỹ đã trải qua mùa hè nóng thứ 3 trong vòng 128 năm qua, bao gồm một tháng 8 với nắng nóng và lũ quét lịch sử. The Guardian (Anh) đưa tin nhiều vùng của Mỹ đã tự phá kỷ lục với sóng nhiệt tháng 9 trong khi California chỉ tạm khống chế được cháy rừng "nhờ" một thiên tai khác: Bão nhiệt đới Kay.
Còn theo Dịch vụ Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S), châu Âu vừa trải qua mùa hè nóng nhất và tháng 8 nóng nhất từng được ghi nhận.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lien-hiep-quoc-keu-goi-boi-thuong-khi-hau-20220911204743947.htm