Chủ tịch Hạ viện Nga cảnh báo, nếu Washington cố tìm cách tịch thu tài sản của Moscow ở nước ngoài, Nga có thể "đòi lại" bang Alaska.
Binh sĩ Mỹ diễn tập chiến đấu ở Alaska (Ảnh: New York Times).
"Khi họ (các nhà làm luật của Mỹ) tìm cách chiếm giữ tài sản của chúng tôi ở nước ngoài, họ nên nhớ rằng chúng tôi cũng có thứ cần đòi lại", hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ngày 6/7.
Căng thẳng giữa Nga và Mỹ leo thang những tháng gần đây do chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và do các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm vào Moscow. Một số nước đã phong tỏa tài sản ở nước ngoài của Nga và để ngỏ khả năng tịch thu những tài sản này để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO có nhiệm vụ truy tìm tài sản của giới tài phiệt Nga trên toàn thế giới, ngày 29/6 cho biết đã phong tỏa 330 tỷ USD nguồn tài chính thuộc sở hữu của giới tinh hoa và ngân hàng trung ương Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bình luận của ông Volodin làm dấy lên đồn đoán Moscow có thể nhắm đến Alaska để đáp trả việc Mỹ và đồng minh phong tỏa tài sản.
Alaska vốn là một phần lãnh thổ của Nga cho đến khi Mỹ mua lại vào tháng 3/1867 với giá 7,2 triệu USD vào thời điểm mà nơi đây đã nổi danh với nhiều mỏ vàng và khoáng sản. Chỉ trong vòng 50 năm sau đó, người Mỹ đã khai thác lại được từ mảnh đất này số tiền gấp 100 lần.
Sở dĩ, Nga chấp nhận bán Alaska với mức giá rẻ như vậy là do khi cuộc chiến tranh Crimea nổ ra, các nước Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chống lại Nga, Moscow không thể tiếp tục trợ cấp hay bảo vệ Alaska, khiến những tuyến đường biển qua đây dần bị tàu của các đồng minh kiểm soát. Mặc dù Alaska được mua lại từ năm 1867, nhưng đến tận tháng 1/1959, vùng đất này mới chính thức trở thành một bang của Mỹ.
Ông Volodin không phải quan chức Nga duy nhất đề cập đến kịch bản lấy lại Alaska từ Mỹ. Đầu năm nay, ông Oleg Matveychev, một thành viên Hạ viện Nga, cũng phát biểu trên truyền hình rằng Moscow sẽ tìm cách "thu hồi toàn bộ tài sản của Nga hoàng, của Liên Xô và của nước Nga hiện nay", trong đó có Alaska.
Đáp lại phát ngôn của ông Matveychev khi đó, Thống đốc Alaska Mike Dunleavy viết trên Twitter: "Chúc các vị may mắn. Chúng tôi có hàng trăm nghìn người Alaska có vũ trang và các thành viên quân đội, họ sẽ nhìn điều này theo một cách khác".
Alaska đã trở thành một trong những bang được quân sự hóa nhiều nhất ở Mỹ, với hơn 20.000 binh sĩ hoạt động tích cực tại các địa điểm như căn cứ không quân Eielson, pháo đài Wainwright, căn cứ liên hợp Elmendorf-Richardson,...
Trong bối cảnh chiến sự leo thang ở Ukraine, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dan Sullivan cho rằng Nga khó có thể tấn công Alaska, nhưng sự tăng cường quân sự của Moscow trong khu vực vẫn là một mối lo ngại.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/quan-chuc-nga-canh-bao-doi-lai-alaska-tu-my-20220707090258108.htm