6 năm cầm quyền của Tổng thống Philippines là một chặng đường có khởi điểm đầy khó khăn về đối ngoại. Nhưng với chủ trương 'dĩ thoái vi tiến', ông R.Duterte đã khéo léo 'tương kế tựu kế', dùng chính áp lực của Mỹ - Trung để đối phó Mỹ - Trung.
Tổng thống Rodrigo Duterte, 77 tuổi, sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào hôm nay (30-6) - Ảnh: CNN Philippines
6 năm cầm quyền của Tổng thống Philippines R. Duterte là một chặng đường có khởi điểm đầy khó khăn về đối ngoại. Nhưng với chủ trương "dĩ thoái vi tiến", ông Duterte đã khéo léo "tương kế tựu kế", dùng chính áp lực của Mỹ - Trung để đối phó Mỹ - Trung.
Những sức ép với ông Duterte đến từ các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc - sau vụ kiện Biển Đông với phán quyết lịch sử ngày 12-7-2016, cùng với đó là sức ép đe dọa trừng phạt từ Mỹ - hệ quả từ các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy mà chính quyền R. Duterte đã quyết tâm thực hiện trên toàn quốc.
Nhưng Philippines đã từng bước cân bằng ảnh hưởng của cả hai cường quốc và mở rộng tương tác đa dạng hóa, đa phương hóa, tham gia kiến tạo các mạng lưới an ninh tập thể của các nước nhỏ, các cường quốc tầm trung và cả các quốc gia đối trọng với đồng minh truyền thống của họ là Mỹ, tạo nên những di sản đối ngoại mang đậm bản sắc cũng như cá tính quyết đoán của Tổng thống sắp mãn nhiệm R. Duterte.
Tương kế với Trung Quốc
Ngay khi nhậm chức tháng 6-2016, ông Duterte lập tức triển khai chiến thuật "nhân nhượng trước" bằng các phát biểu có định hướng "tách Mỹ" (6-2016); tuyên bố tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc (9-2016); tiếp nhận khoản tín dụng và đầu tư 24 tỉ USD khổng lồ từ Trung Quốc (10-2016), chịu gác lại phán quyết Tòa trọng tài Biển Đông (12-2016); và tham gia tích cực vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc (10-2017).
Các động thái khởi đầu này đã tạo được hiệu quả đáng kể. Chúng không chỉ làm "tan băng" căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc (TQ), mở đường cho việc TQ xóa bỏ các hạn chế nhập khẩu và khai thông lại hợp tác đa lĩnh vực với Philippines, mà còn phát huy được các nền tảng "quan hệ kiểu mới" mà TQ muốn xây dựng trên cơ sở định hình hoạt động khai thác chung với chính quyền Duterte ở các vùng biển đang có tranh chấp.
Chính quyền Duterte đã sử dụng giai đoạn 2017 - 2019 để từng bước chuyển hóa các hoạt động đàm phán khai thác chung với TQ. Từ đôi bên cùng có lợi sang quy định chia sẻ 60-40 lợi nhuận có lợi cho Philippines khi khai thác chung (4-2018), để rồi bắt buộc TQ phải tuân thủ hình thức khai thác chung theo luật của Chính phủ Philippines với đại diện là Bộ Năng lượng Philippines và Công ty Dầu khí quốc gia Philippines (10-2019).
Dĩ nhiên khi phía TQ chưa đưa ra quyết định cụ thể thì chính quyền ông Duterte đã chính thức mở đấu thầu quốc tế theo chương trình PCECP với các mỏ dầu khí đã có hợp đồng dịch vụ vào tháng 10-2020 mà TQ không thể phản đối (do Philippines đã chừa đến 2 năm ưu tiên đàm phán với TQ mà không có kết quả).
Và cuối cùng, vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, ông Duterte đã chính thức tuyên bố kết thúc quá trình đàm phán khai thác chung với TQ ở vùng biển tranh chấp, hoàn thành việc hóa giải một phần áp lực trên biển từ TQ mà vẫn giữ được toàn vẹn các lợi ích kinh tế của Philippines.
Tựu kế với Mỹ
Nhận biết được sự tồn tại các điểm yếu pháp lý trong cuộc chiến chống ma túy mà chính quyền Tổng thống D. Trump có thể tận dụng để tăng áp lực cho mình, ông Duterte đã rất quyết đoán gây sức ép ngược lên Chính phủ Mỹ.
Ông đe dọa hủy bỏ Hiệp ước về các lực lượng thăm viếng (VFA) vốn có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ các hoạt động đóng quân luân phiên của Mỹ hiện tại ở quốc gia này, đồng thời rút tư cách thành viên của Philippines khỏi Tòa án hình sự quốc tế (3-2019).
Các động thái quyết đoán này đã khiến Mỹ phải điều chỉnh lại chính sách theo hướng giảm sức ép cho Philippines, từng bước tăng cường lại viện trợ quân sự để duy trì Hiệp ước VFA và bỏ qua các cáo buộc nhân quyền thời Duterte.
Vào cuối nhiệm kỳ, ông Duterte cũng đã chính thức hủy việc xóa bỏ Hiệp ước VFA, xem như vừa hóa giải sức ép từ phía Mỹ vừa đề cao được vai trò của họ trong mạng lưới đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Á.
Nguồn: BBC - Dữ liệu: BẢO ANH
Củng cố sự tự lực
Bên cạnh các hoạt động điều phối sức ép từ trục Mỹ - Trung, ông Duterte cũng liên tục đến thăm các nước có khả năng đối trọng quân sự với TQ như Nhật Bản (10-2016, 10-2017 và 5-2019), Nga (5-2017), Ấn Độ (1-2018) và Hàn Quốc (6-2018)...
Theo đó, Philippines dưới thời Duterte đã cùng lúc vừa tham gia các mạng lưới tập trận chung của Mỹ như cuộc tập trận thường niên Mỹ - Nhật - Ấn - Philippines, vừa tham gia dự án Hành lang kinh tế Vladivostok - Chennai (VCMC) do trục Nga - Ấn thiết lập cuối năm 2019 trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga ngày càng căng thẳng.
Động thái không tham gia trừng phạt Nga trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra cũng là một chỉ dấu quan trọng cho thấy chính phủ thời Duterte đã rất cố gắng giữ vững lập trường cân bằng trong cạnh tranh Mỹ - Nga hiện nay.
Thêm vào đó, với các động thái kiến tạo chuỗi hoạt động đối thoại về chấp pháp hàng hải giữa các quốc gia ASEAN liên quan đến Biển Đông (khối A5 gồm Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam), cũng như sự phát triển tam giác Indonesia - Malaysia - Philippines thành tứ giác tuần tra chung ở biển Sulewasi với sự tham gia tăng cường của Brunei, có thể thấy sự thể hiện bản sắc đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa ngày càng đậm của Chính phủ Philippines thời R. Duterte.
Di sản đối ngoại của Tổng thống mãn nhiệm R. Duterte để lại cho tân Tổng thống Jr. Ferdinand Marcos vì vậy mang đầy triển vọng cho xu hướng tăng cường hợp tác và cân bằng ảnh hưởng giữa các cường quốc vốn là thế mạnh của các nước ASEAN.
Lễ nhậm chức của ông Marcos trang trọng và đơn giản Theo trang Philstar, lễ nhậm chức ngày 30-6 của Tổng thống đắc cử 64 tuổi Ferdinand Marcos Jr - người sẽ kế nhiệm ông Duterte và là tổng thống thứ 17 của Philippines - sẽ diễn ra "trang trọng và đơn giản". Ông Franz Imperial, thành viên ban tổ chức buổi lễ, cho biết: "Chương trình mà chúng tôi chuẩn bị rất trang trọng và đơn giản. Buổi lễ diễn ra theo hình thức truyền thống, như ông Marcos đã nói. Chúng tôi sẽ không đi chệch khỏi truyền thống". Ông Imperial cũng tiết lộ sẽ có một cuộc diễu hành 30 phút. Ngoài ra, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ thăm chính thức Philippines và dự lễ nhậm chức của ông Ferdinand Marcos Jr. Nhiều nước cũng cử đại diện tham dự buổi lễ này. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tuong-ke-tuu-ke-va-di-san-cua-ong-duterte-20220630074310258.htm