Theo chân các nhà lãnh đạo vào thượng đỉnh G7 là giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, cùng với nhiều mục tiêu chống biến đổi khí hậu bị đánh đổi
Cách đây một năm, thượng đỉnh đầu tiên sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19 của Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong bầu không khí lạc quan và khẩu hiệu "xây dựng lại tốt hơn". Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo hầu như không tưởng tượng nổi tình hình 12 tháng sau đó lại biến chuyển đến mức như hiện nay.
Bắt đầu vào ngày 26-6 và kéo dài 3 ngày, thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra ở lâu đài nghỉ dưỡng Schloss Elmau dưới chân núi cao nhất của nước Đức là Zugspitze.
Theo chân các nhà lãnh đạo vào thượng đỉnh là giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu tăng vọt theo sau cuộc xung đột đã bước vào tháng thứ năm giữa Nga và Ukraine, làm ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, còn có hàng loạt vấn đề được bàn bạc như biến đổi khí hậu, quan hệ với Trung Quốc…
Reuters nhận định chủ đề "chiếm sóng" nhất chính là làm sao thống nhất sự ủng hộ dành cho Ukraine trong thời gian dài, đồng thời tăng sức ép lên Điện Kremlin. Dù vậy, các nước G7 sẽ muốn tránh các biện pháp trừng phạt có thể thổi bùng lạm phát cũng như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người dân của chính nước mình.
Một nguồn tin từ chính phủ Đức tiết lộ với Reuters rằng các nhà lãnh đạo đã và đang "thảo luận thực sự mang tính xây dựng" về việc áp giá trần lên dầu thô nhập khẩu từ Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) gặp gỡ song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26-6, trước thềm thượng đỉnh G7 Ảnh: REUTERS
Với giá năng lượng đang ở "trên trời", phương Tây thừa nhận lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga không thể buộc Moscow ngừng ngay "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine trong khi chính người dân phương Tây nói riêng và thế giới nói chung phải chịu cảnh chật vật.
Việc áp giá trần lên dầu nhập khẩu từ Nga, theo Reuters, có thể hóa giải tình thế tiến thoái lưỡng nan này nhưng muốn vậy, cần có sự đồng tình từ các nước đang tăng mua dầu Nga như Ấn Độ và Trung Quốc.
Một hệ quả kéo theo của khủng hoảng năng lượng toàn cầu là các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đang bị đánh đổi khi nhiều nước châu Âu vội vã tìm cách thay thế nguồn dầu và khí đốt từ Nga. Nếu năm ngoái G7 bàn về phục hồi xanh thì năm nay họ công khai nói về tăng sử dụng than đá. Đài CNN cho biết ngay nước chủ nhà Đức, sau khi bị Nga cắt bớt khí đốt, cũng đảo ngược kế hoạch "xóa sổ" than đá vào năm 2030.
Tại thượng đỉnh năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mời nhiều quốc gia đối tác tham dự, bao gồm Senegal (hiện là chủ tịch Liên minh châu Phi), Argentina (hiện chủ trì Cộng đồng Các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean) cũng như Indonesia và Ấn Độ (chủ nhà hiện nay và sắp tới của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20) cùng Nam Phi. Đây được xem là một nỗ lực chung nhằm tháo gỡ các sức ép đang bủa vây kinh tế toàn cầu.
Sự kiên trì của Trung Quốc đối với chiến lược "Không Covid-19" đã gây hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, tại các nước G7 và nhiều quốc gia khác, lạm phát vẫn tăng chưa có điểm dừng, khiến các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất. Đài CNN nhận định khó khăn chồng lên khó khăn như hiện nay có vẻ đang tái diễn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Khủng hoảng lương thực là vấn đề nóng nổi bật khi Liên Hiệp Quốc cuối tuần trước cảnh báo một "cuộc khủng hoảng đói toàn cầu chưa từng có tiền lệ". Phần lớn nguyên nhân nằm ở việc chiến sự đã chặn đường nông sản Ukraine tiến ra các thị trường thế giới, bao gồm nhiều nước cực kỳ khó khăn như Libya, Lebanon, Yemen, Somalia, Kenya, Eritrea và Ethiopia.
Tổ chức phi chính phủ Ủy ban Giải cứu quốc tế (IRC) cho biết "98% ngũ cốc của Ukraine vẫn mắc kẹt, đẩy giá thực phẩm toàn thế giới tăng 41% và dự báo có thêm 47 triệu người nếm trải nạn đói gay gắt trong năm nay".
Mối bận tâm mới của NATO
Khi thượng đỉnh G7 khép lại, sự quan tâm của thế giới sẽ dành cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra từ ngày 28 đến 30-6.
Là nước chủ nhà hội nghị, Tây Ban Nha đang vận động NATO chú ý nhiều hơn đến những mối đe dọa an ninh ở sườn phía Nam liên minh này (tập hợp các nước tại hai vùng Maghreb, Sahel ở châu Phi), cũng như đưa một loạt vấn đề như di cư trái phép, an ninh lương thực, khủng bố… vào lộ trình chính trị mới của mình.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Jose Manuel Albares, NATO nên mở rộng phạm vi hoạt động để đối phó với những mối đe dọa phi quân sự, bao gồm việc sử dụng tài nguyên năng lượng vì mục đích chính trị và nhập cư trái phép ở châu Phi.
Tây Ban Nha hiện lo ngại về tình trạng vô trật tự và các phong trào Hồi giáo bạo lực ở vùng Sahel (một vùng lãnh thổ ở phía Nam sa mạc Sahara). Một thách thức khác đến từ cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Morocco và Algeria, 2 nước đang tranh chấp chủ quyền khu vực Tây Sahara.
Tây Ban Nha có lý do để lo lắng bởi quốc gia ở Tây Nam châu Âu này đang phụ thuộc vào Algeria về nguồn cung khí đốt cũng như hiện là một cửa ngõ chính của người di cư từ châu Phi. "Các mối đe dọa từ sườn phía Nam cũng nhiều như từ sườn phía Đông" - ông Albares nhấn mạnh tại một cuộc họp báo ở Madrid hôm 22-6.
Quan điểm trên của Tây Ban Nha được Anh, Pháp và Ý chia sẻ. Dù vậy, Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết NATO khó có thể đưa ra cam kết mạnh mẽ nào đối với sườn phía Nam trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra và một số khu vực khác đang đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn, như vùng Baltic.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuong-dinh-g7-nhieu-noi-lo-20220626204720951.htm