Tình hình chiến sự ở vùng Donbass được xem là bước ngoặt mang tính quyết định khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang tháng thứ 4.
Lực lượng Ukraine phóng rocket ở Lugansk, Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).
Sau khi tuyên bố rút lực lượng khỏi thủ đô Kiev và thành phố Kharkov lớn thứ 2 Ukraine, Nga đang tăng cường không kích và pháo kích vào các mục tiêu ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Moscow đã đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc trong việc kiểm soát Donbass - khu vực có nhiều hầm mỏ và nhà máy, đồng thời là nơi giao tranh giữa lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn với quân đội Ukraine từ năm 2014.
Nếu Nga giành chiến thắng trong trận chiến Donbass, điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine không chỉ mất một vùng lãnh thổ mà còn hứng chịu tổn thất lớn về quân sự, mở đường cho Moscow kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ khác và quyết định các điều khoản với Kiev. Tuy nhiên, nếu Nga thất bại, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các cuộc phản công của Ukraine và gây khó khăn về chính trị cho Điện Kremlin.
Rút kinh nghiệm từ những trận chiến trước đó, Nga đang triển khai chiến dịch thận trọng hơn ở Donbass, chủ yếu dựa vào hỏa lực tầm xa để làm suy yếu tuyến phòng thủ của Ukraine. Chiến thuật này của Nga dường như phát huy hiệu quả. Lực lượng Nga, với trang thiết bị tốt hơn, đã giành được nhiều lợi thế ở cả 2 tỉnh Lugansk và Donetsk thuộc vùng Donbass. Nga cho đến nay đã kiểm soát hơn 95% Lugansk và khoảng một nửa Donetsk.
Bản đồ miền Đông Ukraine (Ảnh: BBC).
Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, xác nhận lực lượng Ukraine mất từ 100-200 binh sĩ mỗi ngày trong các cuộc giao tranh với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov mô tả tình hình chiến sự ở Donbass "cực kỳ khó khăn".
Khi cuộc chiến đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho Nga, nhiều người cho rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ tuyên bố chiến thắng sau khi Nga đạt được một số thành quả ở Donbass, sau đó Nga sẽ thoát khỏi cuộc xung đột gây thiệt hại lớn về kinh tế và hao tổn nguồn lực của Moscow. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định Nga muốn Ukraine công nhận tất cả thành quả mà Nga đã đạt được, bao gồm việc sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, tuy nhiên Kiev đã bác bỏ điều này.
Lực lượng Nga hiện kiểm soát toàn bộ bờ biển Azov, bao gồm cảng chiến lược Mariupol, toàn bộ vùng Kherson - một cửa ngõ quan trọng vào Crimea - và phần lớn khu vực Zaporizhzhia, nơi có thể giúp Nga tiến sâu hơn vào Ukraine. Trong bối cảnh như vậy, Nga khó có thể dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Nga dường như đang triển khai các chiến thuật thận trọng hơn tại Ukraine. Quân đội Nga từng được dự đoán sẽ bao vây các lực lượng Ukraine bằng chiến lược gọng kìm lớn, nhưng thay vào đó, Moscow đã tiến hành các cuộc tiến công nhỏ hơn nhằm buộc Ukraine phải rút lui và không phải sử dụng quá nhiều các tuyến tiếp tế hậu cần.
Keir Giles, chuyên gia về Nga tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, cho biết Nga đang "tập trung toàn bộ lực lượng pháo binh vào một khu vực duy nhất ở chiến tuyến để tiến công".
"Ukraine vẫn đang theo đuổi chiến lược phòng thủ linh hoạt, rút lui khỏi một số khu vực cần thiết thay vì cố thủ ở từng vị trí", ông Giles nói.
Nga có lợi thế rõ ràng về pháo binh trong trận chiến kiểm soát Donbass, nhờ số lựu pháo, tên lửa phóng loạt cùng đạn dược dồi dào. Trong khi đó, Ukraine phải sử dụng "tiết kiệm" pháo binh, khi Nga liên tục nhắm mục tiêu tấn công vào các tuyến hậu cần của nước này.
Ukraine bắt đầu nhận được nhiều vũ khí hạng nặng hơn từ các đồng minh phương Tây, những nước đã cung cấp hàng chục khẩu pháo và đang có kế hoạch cung cấp nhiều tên lửa phóng loạt cho Kiev.
Tổng thống Putin cảnh báo, nếu phương Tây cung cấp cho Kyiv các tên lửa tầm xa hơn có thể tấn công lãnh thổ Nga, Moscow có thể tấn công các mục tiêu ở Ukraine mà Nga hiện chưa "đụng tới". Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng nói rằng Nga có thể đáp trả bằng cách kiểm soát thêm các khu vực ở Ukraine để làm vùng đệm.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tran-chien-quyet-dinh-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-o-tam-chan-donbass-20220614120400555.htm