Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow sẽ chuyển tất cả lô dầu bị châu Âu từ chối nhập khẩu đến châu Á và các khu vực khác
Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nhanh tiến trình thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển nhưng vẫn cho phép vận chuyển bằng đường ống.
Theo Reuters, đại diện các nước EU có thể tìm được tiếng nói chung khi nhóm họp tại thủ đô Brussels - Bỉ ngày 29-5 để thỏa thuận kịp được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh, dự kiến diễn ra trong hai ngày 30 và 31-5.
Liên quan đến gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào Nga, trở ngại lớn nhất cho đến giờ là việc Hungary phản đối biện pháp cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Hungary cho rằng một động thái như thế sẽ giáng đòn mạnh vào kinh tế đất nước do họ không dễ nhập khẩu dầu từ nơi khác.
Quốc gia này cho biết thêm họ cần tới 4 năm để từ bỏ dầu thô của Nga, cũng như cần khoản đầu tư 750 triệu euro để nâng cấp các nhà máy lọc dầu và mở rộng đường ống dẫn dầu từ Croatia. Vì thế, việc cho phép nhập khẩu dầu Nga bằng đường ống được xem là thỏa hiệp nhằm thuyết phục Hungary ủng hộ gói trừng phạt mới.
Tàu chở dầu ở một cảng tại TP Nam Thông, tỉnh Giang Tô - Trung Quốc, quốc gia tăng cường mua dầu Nga thời gian gần đâyẢnh: Reuters
Theo tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ), chỉ 1/4 lượng dầu Nga mà EU mua được vận chuyển bằng đường ống trong khi lượng dầu còn lại được vận chuyển bằng tàu. Do đó, lệnh cấm tiềm tàng nói trên vẫn tác động đáng kể đến nguồn thu từ dầu của Nga.
Đối mặt viễn cảnh này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak gần đây cảnh báo Moscow sẽ chuyển tất cả lô dầu bị châu Âu từ chối nhập khẩu đến châu Á và các khu vực khác. Cảnh báo châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung thay thế đắt đỏ hơn, ông Novak khẳng định Moscow có thể tìm được các thị trường khác để xuất khẩu dầu bởi lợi thế cạnh tranh của mặt hàng này.
Dữ liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Kpler (Bỉ) cho thấy ông Novak không nói suông. Cụ thể, theo Kpler, khu vực châu Á lần đầu tiên đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Nga trong tháng 4, vượt qua cả châu Âu.
Đáng chú ý, tổng lượng dầu từ Nga xuất sang hai khách hàng lớn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 4, phần lớn là do lượng mua từ Ấn Độ tăng lên. Chuyên gia Jane Xie của Kpler cho rằng dù lượng giao hàng trong tháng 5 có thể giảm một chút nhưng sẽ cao hơn những tháng trước đó (trừ tháng 4).
Trong khi đó, Công ty Tư vấn năng lượng FGE (Anh) dự báo nếu EU có thể nhất trí ngừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay, khối lượng dầu vận chuyển bằng đường biển sẽ tăng thêm 45-60 triệu thùng do Moscow mở rộng hoạt động thương mại với châu Á.
Dữ liệu của Kpler cho thấy tính đến ngày 26-5, khoảng 57 triệu thùng dầu Urals và 7,3 triệu thùng dầu thô ESPO vùng Viễn Đông của Nga đang được vận chuyển trên biển, so với con số 19 triệu thùng dầu Urals và 5,7 triệu thùng dầu thô ESPO vùng Viễn Đông vào thời điểm cuối tháng 2.
Nga - Iran đẩy mạnh hợp tác năng lượng
Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 27-5 bắt giữ 2 tàu chở dầu Hy Lạp ở vịnh Persian. Đây được cho là động thái trả đũa việc Hy Lạp hỗ trợ Mỹ bắt tàu chở dầu Pegas treo cờ Iran ở Địa Trung Hải không lâu trước đó.
Theo đài RT (Nga), vụ bắt tàu Pegas dường như có liên quan đến các biện pháp trừng phạt Nga của Mỹ. Pegas trước đây thuộc sở hữu Công ty Transmorflot của Nga và bị Mỹ trừng phạt ngày 22-2, tức 2 ngày trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sau đó, đến lượt Transmorflot bị trừng phạt vào ngày 8-5 nhưng Pegas khi đó đã thuộc quyền sở hữu của Tehran và treo cờ Iran từ đầu tháng 5.
Cùng đối mặt đòn trừng phạt của Mỹ, Nga và Iran đang tìm cách đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và thương mại để vượt khó. Phát biểu trong chuyến thăm Tehran hôm 25-5, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết giới chức hai nước đã bàn về việc tăng cường đầu tư chung vào các dự án dầu khí, đồng thời nhấn mạnh năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng nhất.
Cũng theo ông Novak, Nga có thể cung cấp năng lượng cho miền Bắc Iran. Cùng lúc đó, dầu khí có thể được xuất khẩu đến châu Á - Thái Bình Dương từ miền Nam Iran. Theo Reuters, Phó Thủ tướng Nga cho biết thêm các thỏa thuận liên quan có thể được ký kết trong tương lai gần.
Trong khi đó, hãng thông tấn Shana dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Javad Owji cho biết hai nước có thể vượt qua các biện pháp trừng phạt bằng cách cùng nhau hợp tác và thúc đẩy quan hệ trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, theo ông Owji, Tehran và Moscow còn tiềm năng hợp tác về năng lượng, ngân hàng, vận tải, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân, công nghiệp và thương mại. Trước mắt, hai nước đã nhất trí chuyển sang sử dụng đồng nội tệ càng nhiều càng tốt.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-a-tang-cuong-mua-dau-nga-20220528210612773.htm