Trung Quốc muốn 10 quốc đảo Thái Bình Dương thông qua thỏa thuận sâu rộng bao gồm mọi thứ, từ an ninh đến ngư nghiệp, được cho là nỗ lực “thay đổi cuộc chơi” của Bắc Kinh để kiểm soát khu vực.
Trung Quốc đã gửi bản dự thảo thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm tới 10 hòn đảo ở Thái Bình Dương trước thềm cuộc họp do Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì ở Fiji vào ngày 30-5.
Bản dự thảo của thỏa thuận mà hãng tin AP có được cho thấy Trung Quốc muốn đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương bằng hình thức song phương và đa phương, hợp tác "trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống" và mở rộng hợp tác thực thi pháp luật.
Dự thảo từ Trung Quốc cũng đề cập những cam kết hợp tác về dữ liệu mạng, an ninh mạng, hệ thống dữ liệu hải quan thông minh cũng như để các đảo ở Thái Bình Dương tiếp cận cân bằng với tiến bộ công nghệ, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia.
Trung Quốc còn muốn cùng phát triển một kế hoạch cho nghề cá, bao gồm hoạt động đánh bắt cá ngừ ở Thái Bình Dương. Ngoài ra, Bắc Kinh đề cập đến khả năng thiết lập khu vực thương mại tự do với các quốc gia Thái Bình Dương, giúp các nước chống biến đổi khí hậu.
Người dân băng qua đường gần bảng chào đón chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 15-11-2018. Ảnh: AP
Trong số các nước được Bắc Kinh mời dự họp, ít nhất một quốc gia (được cho là Liên bang Micronesia) phản đối dự thảo tuyên bố chung này vì lo ngại nó thể hiện ý định "kiểm soát và đe dọa ổn định khu vực" của Trung Quốc.
Theo hãng tin AP, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã gửi thư tới 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương, cho biết đất nước của ông sẽ phản đối đề xuất của Trung Quốc vì lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và đe dọa sự ổn định của khu vực.
Một trong những lo ngại của ông Panuelo là thỏa thuận này bước đầu cho phép Trung Quốc sở hữu và kiểm soát cơ sở hạ tầng nghề cá và truyền thông trong khu vực.
Tổng thống Panuelo từ chối bình luận về bức thư hoặc thỏa thuận được đề xuất. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 25-5 nói rằng không biết về bức thư của Tổng thống Panuelo.
Tàu ở Honiara, Solomon - quốc gia gần đây ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc. Ảnh: AP
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 25-5 cũng bày tỏ lo ngại về ý định của Trung Quốc.
Ông Ned Price nói với báo giới: "Chúng tôi lo ngại những thỏa thuận được đàm phán gấp rút, không rõ ràng". Ông cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đưa ra các thỏa thuận hoặc tham vấn "mơ hồ, thiếu minh bạch" trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh, đánh bắt cá, quản lý tài nguyên.
Ông Price lưu ý các thỏa thuận (bao gồm việc cử các quan chức an ninh Trung Quốc tới quốc đảo Thái Bình Dương) "có thể châm ngòi căng thẳng trong khu vực và làm gia tăng mối lo Bắc Kinh mở rộng bộ máy an ninh nội bộ của mình sang Thái Bình Dương".
Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương mà Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao, trong khoảng thời gian 26-5 đến 4-6. Ngày 26-5, ông Vương Nghị sẽ tới Quần đảo Solomon, quốc gia gần đây ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Mỹ, Nhật Bản, Úc và New Zealand. Hiệp ước dẫn đến lo ngại Trung Quốc có thể gửi quân đến đảo quốc này, thậm chí thiết lập căn cứ quân sự ở đó, nơi cách Úc không xa. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/he-lo-ke-hoach-thay-doi-cuoc-choi-cua-trung-quoc-o-thai-binh-duong-2022052608303533.htm