Những diễn biến khó lường của xung đột Nga - Ukraine đẩy các bên tiến gần hơn đến "lằn ranh đỏ", khiến cuộc chiến có nguy cơ lan rộng, vượt ra ngoài biên giới Ukraine.
PHƯƠNG TÂY VƯỢT "LẰN RANH ĐỎ"?
Cuối tháng 3, Nga bất ngờ thông báo hoàn tất mục tiêu giai đoạn một của chiến dịch quân sự tại Ukraine, rút lực lượng khỏi khu vực Kiev và vùng lân cận. Giới phân tích quân sự tin rằng, động thái này của Nga nhằm tái tổ chức lực lượng, tập trung cho mặt trận nhỏ hơn ở miền Đông Ukraine sau khi không thể kiểm soát thủ đô của nước này. Đây cũng là tín hiệu khởi đầu của một trận chiến mà phương Tây tin rằng sẽ khốc liệt hơn nhiều. Nó khiến giới chuyên gia lo ngại phương Tây đang vượt qua chính "lằn ranh đỏ" của họ khi cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Ban đầu, vũ khí loại nhỏ và thiết bị phòng thủ là trọng tâm trong các kế hoạch viện trợ của Mỹ và châu Âu cho Ukraine. Điều đó đã thay đổi trong những tuần gần đây khi Nga chuyển trọng tâm sang phía Đông.
Phương Tây liên tục cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cuối tháng 2 (Ảnh: Reuters).
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2 đến nay, Mỹ đã cung cấp khoảng 3,4 tỷ USD vũ khí cho Ukraine, bao gồm các hệ thống tên lửa phòng không Stinger, Javelin, đạn dược. Washington gần đây bắt đầu cung cấp cho Ukraine trực thăng Mi-17, máy bay không người lái chiến thuật, lựu pháo. Các nước châu Âu cũng rục rịch chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Bên cạnh tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, Anh cũng cấp cho Ukraine xe bọc thép, máy bay không người lái. Cộng hòa Séc chuyển xe tăng chiến đấu T-72 trong khi Canada bàn giao pháo hạng nặng cho Kiev.
Hiện tại mỗi ngày có khoảng 8-10 chuyến bay chuyển vũ khí đến các căn cứ NATO nằm gần Ukraine, chủ yếu là Ba Lan và Romania. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chúng tôi đang điều phối một luồng vũ khí và hệ thống đáng kể từ các đồng minh và đối tác của Mỹ trên khắp thế giới đến Ukraine. Sự hỗ trợ đó đang được tiến hành với tốc độ chưa từng có".
"Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm được những việc như hiện nay với Ukraine. Một trong những mục tiêu của chúng tôi là hạn chế khả năng Nga tái thực hiện những điều tương tự như vậy. Đó là lý do tại sao chúng tôi trang bị cho Ukraine vũ khí và thiết bị để tự vệ trước các cuộc tập kích của Nga và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu nhắm trực tiếp vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nhằm cắt giảm sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu hôm 25/4. Tuyên bố được đưa ra ngay sau chuyến công du của ông Austin đến thủ đô Kiev của Ukraine và trước cuộc họp với lãnh đạo quân sự của 40 quốc gia liên quan đến vấn đề trang bị khí tài quân sự cho Ukraine.
Phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc làm dấy lên những băn khoăn liệu Mỹ đã thay đổi mục tiêu từ hỗ trợ Ukraine tự vệ sang suy yếu năng lực quân sự của Nga hay không.
Một số quan chức trong chính quyền Mỹ tin rằng, phát ngôn của ông Austin đang bị hiểu thái quá bởi ông không có ý đề xuất mục tiêu chiến lược dài hạn là làm suy yếu quyền lực của Nga. Thay vào đó, theo họ, ông Austin chỉ đang nhấn mạnh đến những tuyên bố trước đây về việc cần làm rõ những lựa chọn đối phó với Nga và làm giảm khả năng của Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Liệu chúng ta có đang trên đà hướng đến một cuộc chiến lớn hơn, hay đó chỉ là câu nói lỡ lời của ông Austin. Hiện đã có sự nhất trí ngày càng lớn về việc cung cấp lựu pháo và những hệ thống vũ khí phức tạp hơn cho Ukraine. Các bên đều đang thực hiện điều đó, nhưng tôi cho rằng khó có sự thống nhất về việc chuyển hướng mục tiêu cuộc chiến từ ủng hộ Ukraine sang nhắm vào Nga", Francois Heisbourg, một chuyên gia phân tích quốc phòng người Pháp, nhận định.
KHÔNG THỂ XEM NHẸ NGUY CƠ THẾ CHIẾN 3
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Tass).
Khi xung đột bước sang giai đoạn mới, cả Nga và Ukraine đều hướng sự quan tâm đến dòng vũ khí viện trợ đang đổ về Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 4/5 cảnh báo: "Mỹ và đồng minh NATO đang tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine. Chúng tôi coi bất kỳ lô vũ khí nào của NATO vào Ukraine đều là mục tiêu cần diệt". Thực tế, những ngày gần đây, Nga đang tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu liên quan đến đường tiếp tế của phương Tây cho Ukraine như mạng lưới đường sắt, kho tập kết vũ khí ở miền Trung và miền Tây nước này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân và thế chiến 3 là rất lớn và coi việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine "về cơ bản là tham chiến với Nga".
"Rủi ro hiện nay là rất lớn. Tôi không muốn làm trầm trọng những rủi ro đó một cách giả tạo. Nhiều người muốn như vậy. Nguy cơ này là nghiêm trọng là có thật. Chúng ta không nên đánh giá thấp nó", ông Lavrov nói. Ông cũng cảnh báo: "Các kho vũ khí ở miền Tây Ukraine đã hơn một lần bị đưa vào tầm ngắm của Nga. Về bản chất, NATO đã bước vào cuộc chiến với Nga bằng con đường ủy nhiệm và đang trang bị vũ khí cho bên được ủy nhiệm đó. Chiến tranh là chiến tranh ", Ngoại trưởng Lavrov nói.
"Về bản chất, NATO đã bước vào cuộc chiến với Nga bằng con đường ủy nhiệm", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Phương Tây tất nhiên không coi nhẹ cảnh báo này. Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh: "Hãy thận trọng, chúng ta đang ở không xa lằn ranh đỏ". Ông cho rằng, các đồng minh phương Tây đang gia tăng sức ép để xác định mức "có thể chấp nhận được" với Moscow, tránh nguy cơ đối đầu trực diện.
Cyrille Bret, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Học viện Sciences-Po Paris (Pháp), cũng kêu gọi cần xem xét nghiêm túc cảnh báo của Nga nhất là khi việc can dự ngày càng sâu của phương Tây vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Chúng ta cần lưu ý điều đó, vì một số bước đi đã vượt qua lằn ranh đỏ, cấm kỵ từ đầu cuộc chiến ở Ukraine, vì vậy không thể làm ngơ rằng tuyên bố về mối đe dọa của thế chiến thứ ba không tồn tại", ông Florent Parmentier, chuyên gia của Học viện Sciences-Po Paris, nhận định.
NGUY CƠ XUNG ĐỘT LAN RỘNG
Suốt hai tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phương Tây đều nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn xung đột lan ra ngoài biên giới Ukraine. "Không ai muốn chứng kiến cuộc chiến này leo thang rộng hơn những gì đang diễn ra. Chắc chắn không ai muốn chứng kiến điều đó khi nó leo thang sang lĩnh vực hạt nhân", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby phát biểu hôm 27/4 khi được hỏi về các mối đe dọa hạt nhân từ Nga.
Đến nay, cuộc chiến ở Ukraine chủ yếu vẫn diễn ra trong lãnh thổ của nước này. Mỹ và các đồng minh nói rằng mục tiêu của họ là khiến Nga rút quân hoàn toàn và tôn trọng biên giới của Ukraine, nhưng phương Tây vẫn từ chối thiết lập vùng cấm bay ở đây do lo ngại nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga. Về phía Nga, dù liên tục cảnh báo đưa các lô vũ khí của phương Tây vào "tầm ngắm" nhưng họ vẫn chưa tấn công những đoàn vận chuyển này trên lãnh thổ NATO.
Ảnh vệ tinh hiện trường vụ cháy một kho dầu ở Chernihiv, Ukraine ngày 21/3/2022 (Ảnh: Reuters).
Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy sự kiềm chế này bắt đầu lung lay. Khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đó rõ ràng là một tín hiệu cảnh báo Đức - quốc gia NATO phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt Nga - có thể là mục tiêu tiếp theo.
Nga đang sử dụng vũ khí kinh tế mạnh nhất của mình để phát đi thông điệp rằng họ có thể khiến Đông Âu và Tây Âu hứng chịu một mùa đông giá lạnh và khắc nghiệt mà không cần bất cứ phát súng nào. Giới chức Mỹ cho rằng đó rõ ràng là một nỗ lực chia rẽ các đồng minh NATO.
Trong bối cảnh các cuộc hòa đàm không đạt được tiến triển đáng kể, cả Nga và Ukraine dường như đều đang sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. Cùng lúc đó, Mỹ và châu Âu cũng bắt đầu cung cấp vũ khí mạnh hơn cho Kiev thay vì chỉ hỗ trợ vũ khí nhỏ, hạng nhẹ như ở giai đoạn đầu.
Giờ đây, có nhiều lo ngại rằng xung đột Nga - Ukraine có thể sớm lan rộng sang các nước láng giềng, đến không gian mạng và khiến các nước NATO đối mặt với nguy cơ đột ngột bị cắt nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong dài hạn, sự mở rộng đó có thể biến thành một cuộc xung đột trực diện giữa Mỹ và Nga, gợi lại bối cảnh Chiến tranh Lạnh khi các bên tìm cách làm suy yếu đối phương.
"Nguy cơ chiến tranh lan rộng đang rất nghiêm trọng", Seth G. Jones - giám đốc Chương trình An ninh châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định. Theo chuyên gia này, sớm hay muộn, Nga sẽ bắt đầu nhắm vào các chuyến hàng chở vũ khí trên lãnh thổ NATO. Kịch bản này nếu xảy ra thì việc NATO kích hoạt điều khoản 5 về phòng thủ tập thể trong hiệp ước của khối để đáp trả là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng, trong đó có việc Thụy Điển và Phần Lan dự kiến nộp đơn gia nhập NATO trong một vài tuần tới. Nga từ lâu coi việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực là mối đe dọa sống còn đối với an ninh của nước này.
Nếu Phần Lan gia nhập NATO, biên giới trên đất liền giữa lãnh thổ của NATO và Nga sẽ kéo dài gấp đôi từ 1.200 km hiện tại lên hơn 2.500 km. Phần Lan trở thành một thành viên của liên minh này cũng mở rộng sườn Bắc của NATO trải dài khắp biên giới giáp với khu vực Murmansk có ý nghĩa chiến lược với Nga và bán đảo Kola - nơi tập trung phần lớn Hải quân Nga.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Không thể thảo luận về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào đối với Baltic - sự cân bằng phải được khôi phục", ông nói.
Cả Nga và phương Tây đều muốn tránh xung đột trực diện, song sự kiềm chế đó vẫn có nguy cơ bị phá vỡ nếu chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục những diễn biến khó lường. Điều quan trọng là các bên cần tiếp tục tìm kiếm giải pháp đối thoại.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/lan-ranh-do-va-buoc-ngoat-nguy-hiem-trong-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-20220506234024195.htm