Nhà chức trách đã kết thúc việc tìm kiếm người mất tích sau 1 tuần huy động nhiều lực lượng, thiết bị phát hiện sự sống, chó cứu hộ... Vụ sập cao ốc được xác định là do vi phạm an toàn xây dựng.
Vụ sập cao ốc xảy ra vào ngày 29-4 ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Người sống sót thứ 10 và là người cuối cùng đã được đưa ra khỏi đống đổ nát vào nửa đêm ngày 5-5. Nỗ lực tìm kiếm cứu nạn kết thúc vào 3 giờ sáng cùng ngày.
Theo hãng tin AP, nhà chức trách cho biết tại một cuộc họp báo rằng 53 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. 10 người bị thương đang hồi phục tốt tại bệnh viện.
Quá trình cứu hộ tại hiện trường - Ảnh: AP
Nguyên nhân của vụ sập cao ốc được xác định là do vi phạm các quy tắc an toàn xây dựng trong quá trình thực hiện một khu nhà khách nằm từ tầng 4 đến tầng 6 của tòa nhà đang xây dựng. Tòa nhà cũng bao gồm các căn hộ, quán cà phê và nhà hàng.
Tổng cộng 9 người đã bị bắt vì chịu trách nhiệm cho sự cố nghiêm trọng, bao gồm chủ sở hữu tòa nhà, 3 người phụ trách thiết kế và xây dựng, cùng 5 người khác có liên quan.
Trong một bài tường thuật về cuộc giải cứu nạn nhân sống sót thứ 8 vào ngày 2-5, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết lực lượng cứu hộ đã phải đối diện với một đống đổ nát không ổn định, phải làm việc quanh nó hơn là phá dỡ.
Sự gia tăng số vụ sập các tòa nhà tự xây trong những năm gần đây đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường thanh tra, phát hiện những cấu trúc không vững chắc.
Campuchia: Phát hiện quả bom 900 kg gần cung điện hoàng gia
Theo Tân Hoa Xã, nhóm chuyên gia bom mìn của Trung tâm Hành động Bom mìn Campuchia (CMAC) hôm 5-5 đã gỡ bỏ an toàn một quả bom AN-M66 còn sót lại từ thời chiến khỏi sông Chaktomuk ở Phnom Penh.
Tổng giám đốc CMAC Heng Ratana cho biết quả bom chưa nổ này do Mỹ sản xuất, nặng 900 kg và chứa khoảng 450 kg chất nổ, được tìm thấy khi các công nhân đang dọn dẹp lòng sông gần khách sạn Sokha Phnom Penh đối diện Cung điện Hoàng gia.
"Nếu đó một quả bom AN-M66 này phát nổ, nó có thể gây ra thiệt hại rất lớn cho khách sạn, nhà ở hoặc thậm chí cả Cung điện Hoàng gia" - ông Ratana cho biết.
Campuchia là một trong những quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề của bom mìn do hậu quả của ba thập kỷ chiến tranh và xung đột nội bộ từ giữa những năm 1960 đến năm 1998. Ước tính có khoảng 4 đến 6 triệu quả mìn và các loại bom, đạn khác còn sót lại sau các cuộc xung đột. .
Từ năm 1979 đến năm 2021, có tổng cộng 64.964 trường hợp thương vong do bom mìn chưa nổ đã được ghi nhận ở CampuchiaC.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vu-53-nguoi-chet-vi-sap-cao-oc-o-trung-quoc-9-nguoi-bi-bat-20220506103911049.htm