Giới chức Mỹ đã đưa ra dự đoán về thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sau khi cả hai bên đều hứng chịu tổn thất.
Người dân sơ tán khỏi khu vực đổ nát sau các cuộc giao tranh ở Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Theo hãng tin Tass, các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng đánh giá rõ rằng, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ không kết thúc trong ngắn hạn.
Hai quan chức châu Âu cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với các đồng minh châu Âu rằng, Mỹ tin cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài đến cuối năm 2022.
Theo nhiều quan chức Mỹ, khó có thể dự đoán chính xác cuộc chiến tại Ukraine có thể kéo dài bao lâu. Một số quan chức nói rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy mục tiêu cuối cùng của Nga tại Ukraine đã thay đổi và Moscow khó có thể duy trì các cuộc đàm phán ngoại giao, nếu lực lượng quân sự nước này không đối mặt với những tổn thất trên thực địa.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 14/4 cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ "kéo dài", và sẽ còn diễn ra "trong nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn". Một số thành viên Quốc hội Mỹ và các phụ tá thậm chí so sánh so sánh cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay với chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm.
Hai quan chức châu Âu khác cho biết, họ tin rằng giao tranh ở miền Đông Ukraine - nơi các lực lượng quân sự Nga dự kiến sẽ tiến hành một cuộc tấn công mới - có thể kéo dài từ 4-6 tháng và sau đó rơi vào bế tắc.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, Ngoại trưởng Blinken "đã thảo luận với những người đồng cấp về mối quan ngại rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, nhưng tất cả cam kết của ông đều tập trung vào việc làm thế nào để chấm dứt xung đột càng nhanh càng tốt".
Quân đội Nga hồi cuối tháng 3 thông báo đã hoàn tất các mục tiêu trong giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga tuyên bố rút quân khỏi Kiev và miền Bắc Ukraine, đồng thời tập trung lực lượng để "giải phóng" vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Donbass là khu vực tập trung các vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine.
Các hình ảnh vệ tinh mới được công bố tuần này cho thấy, một lượng lớn khí tài Nga đã tập trung gần miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, 2 tuần sau tuyên bố chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự, lực lượng Nga dường như vẫn chưa triển khai hoạt động ở Đông Ukraine. Điều này làm dấy lên hoài nghi về chiến thuật thực sự của Nga tại khu vực này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/4 cho biết, Ukraine đã đẩy các cuộc đàm phán với Moscow một lần nữa "vào ngõ cụt" khi đi chệch hướng khỏi các thỏa thuận đã đạt được trong vòng đàm phán trước đó tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng đàm phán mới nhất, Nga cho biết phái đoàn Ukraine đã đưa ra bản thảo đầu tiên về các đề xuất bằng văn bản nhằm giải quyết xung đột.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, văn bản do trưởng đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia ký hôm 29/3 nêu rõ, ngoài quy chế trung lập, không tham gia liên minh quân sự, phi hạt nhân hóa, Ukraine sẽ cam kết hạn chế các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của quân đội nước ngoài mà không nhận được sự cho phép từ tất cả các quốc gia bảo lãnh, bao gồm cả Nga.
Tuy nhiên, ông Lavrov khẳng định các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận mà Ukraine gửi Nga hôm 6/4 khác với những điều khoản được đưa ra tại cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Nga cáo buộc, các động thái của Ukraine cho thấy ý định rõ ràng của Kiev nhằm cố tình kéo dài, thậm chí "phá hoại các cuộc đàm phán bằng cách gạt bỏ những điều khoản đã được thống nhất trước đó".
Theo Thành Đạt/Dân trí (nguồn Tass)
https://dantri.com.vn/the-gioi/my-du-doan-thoi-diem-ket-thuc-xung-dot-tai-ukraine-20220416080210251.htm