Liên minh châu Âu (EU) “lặng lẽ” dừng bán vũ khí cho Nga sau lời kêu gọi của Ba Lan và các nước Baltic.
"EU đã xóa bỏ điều khoản miễn trừ lệnh trừng phạt vốn cho phép các nhà sản xuất vũ khí EU giao dịch với Nga" - hãng Reuters dẫn một số nguồn thạo tin ngày 14-4 cho biết - "Động thái được EU đưa ra sau lời kêu gọi của Ba Lan và các nước Baltic".
Brussels đã cấm xuất khẩu vũ khí và đạn dược sang Moscow sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga vào tháng 7-2014. Tuy nhiên, một điều khoản trong lệnh cấm này vẫn cho phép việc mua bán được thực hiện theo những hợp đồng đã ký trước tháng 8-2014.
Các nhà sản xuất vũ khí của Pháp và Đức đã "tận dụng kẽ hở" này để kiếm hàng triệu USD từ giao dịch bán vũ khí cho Nga. Trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban châu Âu cho thấy các nước thành viên EU đã bán cho Nga số vũ khí và đạn dược trị giá 39 triệu euro (42,3 triệu USD) vào năm 2021 - tăng cao hơn so với mức 25 triệu euro vào năm 2020, theo Reuters.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn ra xung đột Nga - Ukraine, chính phủ các nước EU đã đồng ý loại bỏ điều khoản nêu trên sau khi các quốc gia như Ba Lan và Lithuania đưa ra những lời chỉ trích.
Thực tế, điều khoản miễn trừ đã không xuất hiện trong các tài liệu được EU công bố vào ngày 8-4, trong đó nêu chi tiết về gói trừng phạt thứ 5 mà liên minh này nhắm vào Nga. Tuy vậy, người phát ngôn của phái đoàn đại diện cho Lithuania tại EU nhấn mạnh rằng các nước thành viên vẫn có thể gửi vũ khí do Nga sản xuất tới Nga để sửa chữa trước khi chúng được trả lại cho khối.
Mỹ, EU và NATO trong những tuần gần đây đã chuyển giao cho Ukraine nhiều hệ thống vũ khí do Liên Xô (cũ) và Nga sản xuất, theo RT. Slovakia gửi hệ thống phòng không S-300 tới Ukraine sau khi Mỹ cam kết sẽ bù đắp cho nước này bằng hệ thống tên lửa Patriot.
Tuy nhiên, quân đội Nga hồi đầu tuần này cho biết đã phá hủy hệ thống S-300 nói trên trong một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình.
Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang ngày thứ 51 và dù đôi bên đã có nhiều cuộc đàm phán hòa bình nhưng xem ra căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều tiếng nổ lớn ở Kiev và còi báo động phòng không vang lên khắp Ukraine rạng sáng 15-4 (giờ địa phương) sau khi phía Nga xác nhận soái hạm Moskva của họ bị chìm, theo Reuters.
Soái hạm Moskva, niềm kiêu hãnh của hạm đội biển Đen của Nga. Ảnh: RT
Diễn biến trên là một trong những vụ nổ đáng kể nhất tại thủ đô Kiev kể từ khi quân đội Nga rút khỏi khu vực này vào đầu tháng 4, để "dồn sức" cho mặt trận phía Nam và phía Đông Ukraine.
Chưa có báo cáo tức thì về thiệt hại sau các vụ nổ ở Kiev và các thành phố Kherson ở phía Nam, Kharkiv ở phía Đông và thị trấn Ivano-Frankivsk ở phía Tây, theo Reuters.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/eu-co-dong-thai-bat-ngo-voi-nga-2022041511201644.htm