Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay bắt đầu công du châu Âu để bàn với các đồng minh về việc gia tăng áp lực lên Nga, trong khi Moscow đang dần thích nghi với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).
New York Times dẫn nguồn thạo tin ở Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden tuần này sẽ công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng trăm nghị sĩ của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) khi ông có chuyến công du châu Âu bắt đầu từ ngày 23/3.
Ông Biden dự kiến sẽ tuyên bố gói trừng phạt này trong các cuộc họp thượng đỉnh NATO, EU và G7 trong những ngày tới. Ông cũng sẽ bàn bạc với các đồng minh về những biện pháp nhằm gia tăng áp lực lên Nga để Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tại Bỉ, vào ngày 24/3, ông Biden và các lãnh đạo châu Âu sẽ công bố "giai đoạn kế tiếp" của hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine, các kế hoạch mở rộng và thực thi các lệnh trừng phạt kinh tế, các nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ của NATO dọc theo biên giới với Nga.
Sau khi dự các hội nghị thượng đỉnh, ông Biden dự kiến sẽ tới thăm Ba Lan để bàn bạc về vấn đề dòng người tị nạn Ukraine đang đổ về châu Âu.
Theo New York Times, châu Âu dường như đã đạt tới giới hạn của các lệnh trừng phạt lên Nga, do họ vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu của Moscow và không thể cắt đứt dễ dàng như Mỹ và Anh. Các chuyên gia nhận định, đây dường như chính là "lỗ hổng lớn" trong các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm gây áp lực với Nga trong thời gian qua.
Trước những áp lực chưa có tiền lệ từ phương Tây, Nga tuần qua vẫn trả cho các nhà đầu tư khoản lãi 117 triệu USD cho hai loại trái phiếu chính phủ vào ngày 16/3, xóa tan đồn đoán trước đó về nguy cơ Moscow vỡ nợ. Sau khi lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, đồng rúp của Nga đang có dấu hiệu ổn định trở lại.
Trong khi đó, mặc dù khoảng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng, nước này vẫn có thể kiếm thêm tiền bằng cách tiếp tục bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu và những nơi khác.
Việc châu Âu quá phụ thuộc vào năng lượng Nga khiến họ và đồng minh Mỹ bị hạn chế những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, theo New York Times. Bản thân nội bộ của EU cũng đang chia rẽ vì vấn đề có trừng phạt dầu mỏ Nga hay không và rất khó để họ đưa ra được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-biden-toi-chau-au-sap-cong-bo-tiep-tuc-trung-phat-nga-20220323085500735.htm