Trong bối cảnh số ca Covid-19 toàn cầu có xu hướng tăng mạnh trở lại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, thế giới vẫn chưa thể thoát đại dịch này.
Số ca Covid-19 toàn cầu tăng mạnh trở lại, đặc biệt ở châu Âu và châu Á, sau một tháng giảm (Ảnh: Reuters).
Tại một cuộc họp báo diễn ra ở Geneva ngày 18/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về dự đoán thời điểm Covid-19 chấm dứt, phát ngôn viên của WHO, Tiến sĩ Margaret Harris, nói: "Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Rõ ràng chúng ta đang ở giữa đại dịch".
Trước đó, WHO từng dự đoán, giai đoạn cấp tính của Covid-19 có thể chấm dứt trong năm nay, song phụ thuộc vào việc thế giới có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm chủng ít nhất 70% dân số ở tất cả các quốc gia hay không.
Nhận định của bà Margaret Harris đưa ra không lâu sau khi WHO cảnh báo số ca Covid-19 toàn cầu đang tăng nhanh trở lại bất chấp lượng xét nghiệm giảm xuống, kéo theo số ca tử vong tăng.
Sau hơn một tháng giảm, số ca mắc Covid-19 toàn cầu bắt đầu tăng lên từ tuần trước, đặc biệt ở châu Âu và châu Á. Theo số liệu của WHO, số ca nhiễm mới toàn cầu tăng 8% so với tuần trước, với 11 triệu ca mắc và hơn 43.000 ca tử vong mới được báo cáo từ ngày 7/3 đến ngày 13/3. Nhiều chuyên gia nhận định, châu Âu có thể đã bước vào một làn sóng lây nhiễm mới.
WHO cho rằng, tình trạng này do nhiều yếu tố như Omicron có khả năng lây truyền cao cùng chủng phụ BA.2 đang dần chiếm ưu thế ở nhiều nơi, các nước nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách xã hội, phòng dịch.
"Số ca mắc mới trên toàn cầu đang tăng nhanh mặc dù việc xét nghiệm ở một số quốc gia không còn nhiều như trước. Điều này có nghĩa những trường hợp chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đồng thời cảnh báo các nước tiếp tục cảnh giác.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019 và đến nay đã khiến hơn 6 triệu người tử vong. Hầu hết các chuyên gia tin rằng, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu vào cuối năm nay nhờ chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy vậy, họ cũng nhấn mạnh, Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất và các biến chủng mới nguy hiểm hơn vẫn có thể xuất hiện. Do vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các nước không nên lơ là các biện pháp phòng dịch, cần tiếp tục tăng độ phủ vaccine trong dân số.
Antonella Viola, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Padua, Italy, bình luận: "Tôi đồng tình với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế bởi lẽ chúng ta không thể coi đây là trường hợp khẩn cấp sau hai năm. Tuy nhiên, thế giới không thể cho rằng Covid-19 đã biến mất. Việc duy trì các biện pháp nghiêm ngặt, theo dõi liên tục ca mắc mới, đeo khẩu trang ở không gian kín hoặc nơi đông người là cần thiết".
Theo Minh Phương/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/who-dai-dich-covid19-con-lau-moi-ket-thuc-20220319065013173.htm