Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ và NATO sẽ không đối đầu trực tiếp với Nga tại Ukraine vì điều đó có thể dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ 3.
Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh ở châu Âu và gửi đi thông điệp nhất quán: Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ NATO bằng toàn bộ sức mạnh của một khối NATO đoàn kết và vững chắc", Tổng thống Joe Biden phát biểu hôm 11/3, sau khi công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga.
"Chúng tôi sẽ không gây chiến với Nga ở Ukraine. Xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 3, điều mà chúng tôi phải cố gắng ngăn chặn", ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Biden từ chối cho biết liệu Washington có bằng chứng xác thực về cáo buộc của một số nước phương Tây rằng, Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine hay không.
"Tôi sẽ không đề cập tới thông tin tình báo nhưng Nga sẽ phải trả giá đắt nếu sử dụng vũ khí hóa học", Tổng thống Mỹ nói.
Tổng thống Biden cho biết Mỹ đã điều động hơn 12.000 binh sĩ đến đồn trú tại các nước đồng minh gần biên giới Nga để bảo vệ lãnh thổ NATO. Cụ thể, Mỹ đã triển khai binh sĩ đến Latvia, Estonia, Lithuania, Romania và một số nước khác ở Đông Âu.
Mỹ và các đồng minh tiếp tục hỗ trợ tài chính, trang thiết bị quân sự cho Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ bác bỏ đề xuất cung cấp máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay ở Ukraine do lo ngại xung đột trực tiếp với Nga.
"Tổng thống và các đối tác NATO của chúng tôi không thay đổi đánh giá của họ về kế hoạch gửi lực lượng Mỹ đến Ukraine", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 10/3.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng cũng chỉ ra sự khác biệt giữa các vũ khí chống tăng và các máy bay chiến đấu có khả năng "vượt qua biên giới" và làm leo thang xung đột. Bà Psaki gọi nguy cơ bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ 3 là một vấn đề quan trọng, được các cơ quan tình báo, Bộ Quốc phòng và Tổng thống Mỹ cân nhắc trong mọi thời điểm.
Lầu Năm Góc tin rằng cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine là cung cấp cho nước này các hệ thống chống tăng và phòng không, chẳng hạn tên lửa đất đối không và hệ thống phòng không trên mặt đất. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết việc bổ sung thêm máy bay vào phi đội của Ukraine cũng "không làm thay đổi đáng kể năng lực của không quân Ukraine so với khả năng của Nga".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, bất kỳ quốc gia nào mở cửa sân bay cho các máy bay chiến đấu Ukraine sử dụng để chống lại Nga sẽ bị Moscow coi là một bên liên quan đến xung đột.
Ngoài cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraine, Mỹ và các đồng minh còn tăng sức ép lên Nga bằng các lệnh trừng phạt. Tổng thống Biden cho biết, Washington và các đồng minh có kế hoạch gia tăng các nỗ lực tịch thu tài sản của giới tài phiệt Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-biden-doi-dau-truc-tiep-nga-nato-co-the-dan-den-the-chien-3-20220312143957182.htm