Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ, một giải pháp cho xung đột ở Ukraine chỉ có thể đạt được với một số điều kiện, trong đó các lợi ích an ninh của Nga được xét đến và Kiev phải đảm bảo trung lập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/3 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Naftali Bennett theo đề nghị của phía Israel. Một trong những chủ đề của cuộc điện đàm là cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng từ hôm 24/2.
Sputnik dẫn thông cáo của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã nêu rõ lập trường của Nga về những điều kiện cần thiết nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. Các điều kiện này bao gồm việc xét đến vô điều kiện các lợi ích an ninh của Nga, phi quân sự hóa Ukraine và đảm bảo trạng thái trung lập, không sở hữu hạt nhân của Ukraine, công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea cũng như công nhận độc lập của hai vùng ly khai Donetsk, Lugansk ở miền Đông Ukraine.
Đây cũng chính là quan điểm đã được Tổng thống Putin đưa ra trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm 28/2 khi chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để tháo ngòi căng thẳng hiện nay.
Trong các tuyên bố gần đây, giới chức Nga liên tục nhấn mạnh đến yêu cầu đảm bảo các lợi ích an ninh của Moscow. Moscow cho rằng, phương Tây đến nay vẫn làm ngơ trước những quan ngại an ninh của Nga. Cuối năm ngoái, Nga đã gửi cho Mỹ và NATO một bản danh sách gồm hàng loạt đề xuất an ninh, trong đó đề nghị các nước này phải đưa ra các cam kết như NATO không kết nạp Ukraine, không mở rộng về phía Đông, không triển khai vũ khí gần biên giới Nga. Tuy nhiên, cả Mỹ và NATO đều bác bỏ các đề xuất đó.
Về vấn đề Crimea - bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014, Nga nhiều lần khẳng định đây là "vùng cấm" không thể thương thảo. Trả lời phỏng vấn Al-Jazeera ngày 2/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: "Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và điều đó không thể thương thảo".
Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 sau khi giới chức ở đây tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý trong đó 96% cử tri Crimea ủng hộ sáp nhập. Tuy vậy, phương Tây không công nhận kết quả này và cho rằng quyết định sáp nhập Crimea của Nga là bất hợp pháp. Kể từ đó, Mỹ và các đồng minh đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao với Nga. Hiện tại, Mỹ và châu Âu cũng tung các đòn trừng phạt mới để phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Nga triển khai chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2, vài ngày sau khi công nhận "độc lập, chủ quyền" cho hai vùng ly khai ở miền Đông Ukraine. Moscow tuyên bố, chiến dịch này nhằm mục đích phi quân sự hóa Ukraine và bảo vệ người dân vùng ly khai Donetsk, Lugansk. Sau 7 ngày chiến sự căng thẳng, phái đoàn của Nga và Ukraine chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ hai, song khó đạt được tiến triển đáng kể.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-putin-nhan-manh-dieu-kien-hoa-giai-xung-dot-o-ukraine-20220303085509925.htm