Sáng 1.3 (giờ Việt Nam), Ukraine chính thức ký vào đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles theo Công ước Montreux năm 1936.
Để di chuyển từ Địa Trung Hải vào biển Đen, các tàu phải đi qua eo biển Dardanelles trước để vào biển Marmara, sau đó là eo Bosphorus.
Nga phóng rốc két vào Kharkiv
Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đóng hai eo biển then chốt dẫn vào Biển Đen đối với các tàu chiến giữa lúc tình hình xung đột leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết phía Nga đã hỏi Thổ Nhĩ Kỳ có ý định áp dụng Công ước Montreux nếu thấy cần hay không. “Chúng tôi nói với họ rằng chúng tôi sẽ áp dụng nó theo đúng thẩm quyền”, ông Cavusoglu nói.
Cửa sổ của một ô tô bị trúng đạn trên đường phố Kyiv hôm 28.2
Về tình hình chiến sự Ukraine, Đài CNN ngày 1.3 dẫn lời thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov cho hay ít nhất 9 dân thường thiệt mạng bởi rốc két từ quân đội Nga vào ngày 28.2, trong đó có 3 trẻ em.
Đài CNN dẫn những hình ảnh vệ tinh mới của công ty Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy đoàn quân của Nga đã đến vùng ngoại ô Kyiv trải dài hơn trước đó. Đoàn quân này dài hơn 65 km trên đường ở thời điểm cuối ngày 28.2, so với khoảng 27 km trước đó vào cùng ngày. Trong đoàn quân này có các xe bọc thép, xe tăng, pháo và các xe hậu cần.
Đoàn xe quân sự, gồm các khẩu pháo, ở phía đông sân bay Antonov (sân bay Hostomel) ở ngoại ô Kyiv ngày 28.2
Nga nói gì trước Liên Hiệp Quốc?
Hãng Reuters ngày 1.3 dẫn lời Đại sứ Nga Vassily Nebenzia phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho rằng hành động của Nga ở Ukraine đang bị “bóp méo”, đồng thời khẳng định quân đội Nga không gây đe dọa đối với dân thường và không nã pháo vào khu vực dân sự.
Sau 5 ngày kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Kyiv đã liên tục nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Zelensky với đơn xin gia nhập EU đã ký
Reuters đưa tin Quốc hội Latvia ngày 28.2 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép người dân nước này chiến đấu tại Ukraine nếu họ sẵn sàng. Trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày 27.2 tuyên bố cho phép công dân nước này tham gia các lực lượng quốc tế để chiến đấu cùng Ukraine
Trong diễn biến mới, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chính thức ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vấn đề có thể là đối trọng cho Kyiv trong đàm phán với Moscow.
Vatican muốn làm trung gian hòa giải
Vatican kêu gọi Nga hãy ngừng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và ngồi vào bàn đàm phán trong nỗ lực chấm dứt xung đột thông qua hòa giải, và Giáo hoàng Francis sẵn sàng làm trung gian cho nỗ lực này.
Giáo hoàng Francis của Giáo hội Công giáo La Mã
Còn theo tờ Jewish News, Ukraine đã liên lạc với phía tỉ phú Roman Abramovich và nhờ ông làm trung gian trong nỗ lực đàm phán một giải pháp hòa bình với Nga, sớm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay giữa 2 nước. Tỉ phú Abramovich nói sẵn sàng giúp đỡ Ukraine đàm phán hòa bình với Nga.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chien-su-nga-ukraine-toi-trua-1-3-tinh-hinh-tren-thuc-dia-cang-thang-post1434232.html