Những biện pháp trừng phạt Nga không chỉ khiến Matxcơva thiệt hại mà sẽ tác dụng ngược lại nền kinh tế của phương Tây, từ việc dừng dự án Nord Stream 2 cho đến loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift.
Một giàn khoan dầu tại khu vực Irkutsk của Nga, quốc gia sản xuất dầu đứng thứ 3 thế giới - Ảnh: REUTERS
Giữa lúc kinh tế thế giới đang hồi phục sau đại dịch, Mỹ và các đồng minh phương Tây quyết định áp các biện pháp trừng phạt đối với Nga để phản ứng trước việc Matxcơva công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở miền đông Ukraine và cho phép đưa quân đến đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết từ ngày 23-2, Mỹ sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga, cũng như giới tinh hoa của nước này cùng các thành viên gia đình họ.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa thêm nhiều chính trị gia, nghị sĩ và quan chức Nga vào danh sách đen, cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga, và nhắm đến xuất nhập khẩu với các khu vực ly khai ở Ukraine.
Trong những biện pháp trừng phạt có phần hạn chế mà phương Tây triển khai, động thái mạnh mẽ nhất là việc Đức tuyên bố dừng dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga đến phía đông châu Âu, theo báo Guardian.
Thông điệp của Mỹ và các đồng minh là các biện pháp trừng phạt sẽ tăng dần nếu Nga không nhượng bộ.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, các biện pháp trừng phạt không chỉ khiến Nga thiệt hại mà chính các nước phương Tây cũng phải trả giá. Kết quả có thể thấy rất nhanh là thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trước khi ông Biden công bố trừng phạt ngày 22-2. Giá dầu Brent cũng tăng 2,5%.
Việc dừng dự án Nord Stream 2 cuối cùng có thể khiến Đức bị ảnh hưởng còn nhiều hơn Nga. Còn khả năng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế Swift thì sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu dầu, khí đốt của Nga.
Chuyên gia William Jackson của tổ chức tư vấn Capital Economics cho biết khi Iran bị trừng phạt tương tự, kinh tế nước này đã sụt giảm đến 7%. Theo ông Jackson, kinh tế Nga dù mạnh hơn Iran nhưng các biện pháp cấm vận cứng rắn có thể khiến GDP nước này mất 4-5%.
Nhưng việc Nga không còn trong hệ thống Swift sẽ đặt ra câu hỏi đầu tiên cho phương Tây là làm sao để thanh toán khí đốt mua của Nga. Ngoài ra, việc này có thể khiến giá năng lượng thế giới tăng cao trong bối cảnh giá dầu hiện đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua.
Đối với người Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc giá cả sẽ leo thang và các nhà kinh tế lo ngại lạm phát có thể bị đẩy lên 2 con số.
"Nga có một vai trò quá lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Họ là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba sau Mỹ và Saudi Arabia, cung cấp khoảng 10% lượng dầu được tiêu thụ trên toàn thế giới. Phần lớn số dầu đó bán sang châu Âu, khu vực cũng phụ thuộc vào khí đốt từ Nga", tờ Los Angeles Times bình luận.
Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva lo ngại cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chỉ mới bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 "sẽ làm tăng thêm bất ổn vốn đã có rất nhiều".
Trong khi đó, Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà đầu tư Mỹ Gary Korolev nói rằng việc trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến Nga trong ngắn hạn.
"Các biện pháp chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế Nga trong việc cung cấp tài chính về ngắn hạn, nhưng trong cái rủi có cái may là về lâu dài sẽ tăng cường sự độc lập của Nga với hệ thống tài chính phương Tây, đồng thời giảm bớt dòng vốn chảy ra ngoài của Nga", ông Korolev nhận định.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/phuong-tay-trung-phat-nga-cac-ben-bi-anh-huong-ra-sao-20220223110525022.htm