Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu đang tiến về ngưỡng 100 USD/thùng và điều này có nguy cơ khiến kinh tế thế giới gặp "họa vô đơn chí" bởi vừa thổi bùng lạm phát vừa gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng.
Theo hãng tin Bloomberg, giá dầu thô Brent có thời điểm tăng 1,8% trong ngày 14-2, lên mức 96,16 USD/thùng trong khi giá than đá giao tương lai ở châu Âu tăng 1,4% lên mức 115,5 USD/tấn.
Mô hình Economics’ Shok của Bloomberg chỉ ra một khi giá dầu tăng từ mức khoảng 70 USD/thùng hồi cuối năm 2021 lên 100 USD/thùng vào cuối tháng này thì lạm phát sẽ tăng khoảng nửa điểm phần trăm ở Mỹ và châu Âu trong nửa cuối năm nay.
Nhìn rộng ra, ngân hàng JPMorgan (Mỹ) cảnh báo nếu giá dầu chạm mốc 150 USD/thùng, kinh tế toàn cầu sẽ gần như ngừng tăng trưởng và lạm phát vọt lên trên mức 7%. Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Công ty Moody’s Analytics, ước tính dầu cứ tăng 10 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế của năm sau sẽ "bay" 0,1 điểm phần trăm.
Người biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu gần Văn phòng Công ty Dầu Nepal ở thủ đô Kathmandu - Nepal ngày 11-2 Ảnh: REUTERS
Năng lượng hóa thạch bao gồm dầu, than đá, khí thiên nhiên cung cấp tới hơn 80% nhu cầu năng lượng của kinh tế toàn cầu. Giá năng lượng leo thang - cộng với chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng - sẽ đẩy giá cả tăng vọt, đồng thời làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu thô cũng như hàng hóa thành phẩm.
Hậu quả là thực phẩm và chi phí đi lại, sưởi ấm đều đắt đỏ hơn. Tại Anh, giá hàng hóa và dịch vụ hiện ở mức cao nhất trong 30 năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây tăng dự báo về chỉ số giá tiêu dùng toàn cầu lên mức bình quân 3,9% ở các nền kinh tế phát triển trong năm nay và 5,9% ở các nước đang phát triển và mới nổi.
Thực ra, một số nước hưởng lợi từ giá dầu tăng, từ các nước sản xuất dầu mới nổi đến Canada và các nền kinh tế Trung Đông. Riêng Nga có thể thu về thêm 65 tỉ USD trong năm nay nhờ giá dầu tăng.
Ngoài ra, theo Bloomberg, giá khí đốt và giá điện ở châu Âu đã tăng hơn 10% ngay sau khi Mỹ cảnh báo Nga sắp tấn công Ukraine. Giá khí đốt Benchmark có lúc tăng tới 14% lên mức 88 euro/MWh, còn giá điện tháng 3 tại Đức tăng 11% lên mức 177 euro/MWh.
Sức ép về giá khiến các ngân hàng trung ương hiện phải xác định ưu tiên hàng đầu là xoa dịu lạm phát. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự báo sẽ tăng lãi suất thành 7 đợt trong năm nay thì cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đồng loạt tuyên bố đang theo sát giá năng lượng.
Theo Hải Ngọc/ NLĐ
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/gia-nang-luong-de-doa-gay-cu-soc-lam-phat-202202142100268.htm