Chị Zhao Weihua, 49 tuổi, sống tại thành phố Ngân Xuyên, đã từ bỏ công việc là giáo viên để mở trung tâm phục hồi dành cho trẻ tự kỷ như con trai chị và trẻ khuyết tật trí tuệ.
Chị Zhao trò chuyện với một em nhỏ tại Trung tâm Huấn luyện Phục hồi chức năng Tự kỷ Starlight, Trung Quốc.
Mắc chứng tự kỷ, thanh niên Zhou Jiakai, 21 tuổi, có lịch trình cố định hàng ngày. Sau khi thức dậy, anh rửa mặt, đánh răng và dọn phòng. Sau giờ ăn trưa, Zhou sẽ chợp mắt một lúc trước khi bắt đầu vẽ tranh. Đến tối, chàng trai thường đi dạo cùng mẹ sau khi đã ăn tối.
Chị Zhao Weihua, mẹ của Zhou, từng cảm thấy khó chấp nhận việc con trai mắc chứng rối loạn tự kỷ khi lớn lên. Nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này, bà mẹ dần chấp nhận tình trạng của con trai mình.
Chị Zhao nhận thấy thách thức lớn nhất mà phụ huynh gặp phải khi nuôi dạy trẻ tự kỷ là việc giao tiếp. Điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong các mối quan hệ.
Nhờ việc đào tạo và phục hồi chức năng, trẻ tự kỷ có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ cũng như khả năng nhận thức và dần dần đạt đến trình độ phát triển của bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, vấn đề giữa các cá nhân là khó giải quyết nhất bởi vì chúng xuất hiện ở những giai đoạn khác nhau trong sự phát triển của trẻ. Do đó, bố mẹ có thể mất nhiều thời gian để cùng con vượt qua.
Trước năm 2005, thời điểm Zhou học phổ thông, Trung Quốc có rất ít trung tâm phục hồi chức năng dành cho trẻ tự kỷ. Những trung tâm hoạt động chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn phụ huynh đối phó với tình trạng này thay vì quan tâm, giúp đỡ trẻ khuyết tật trí tuệ phục hồi.
Là giáo viên, chị Zhao đã quyết định nghỉ việc, tự thành lập một “mái ấm” dành cho trẻ khuyết tật trí tuệ tại thành phố Ngân Xuyên nhằm giúp trẻ em yếu thế học cách sống cuộc sống bình thường. Trung tâm Huấn luyện phục hồi chức năng Tự kỷ Starlight do chị Zhao thành lập cũng là mô hình đầu tiên trong khu vực.
Tuy nhiên, việc thành lập trung tâm khó khăn hơn so với tưởng tượng của bà mẹ. Nhận được sự chấp thuận của các cấp chính quyền để khởi động trường học là thách thức đầu tiên. Bà mẹ mất 6 tháng để hoàn thành bằng cấp từ Liên đoàn người khuyết tật thành phố.
Nguồn vốn là thách thức tiếp theo. Ngoài tiền tiết kiệm cá nhân, chị Zhao phải kêu gọi sự quyên góp của cộng đồng và tuyển dụng tình nguyện viên cho trung tâm. Địa điểm của trung tâm cũng đã phải thay đổi 6 lần trong giai đoạn từ năm 2009 - 2015 do không phù hợp. Nhưng từ năm 2015 đến nay, trung tâm được đặt tại tầng 3 của một trường mẫu giáo trong thành phố.
Kể từ khi thành lập, trung tâm đã đào tạo cho hơn 1.500 trẻ em mắc chứng tự kỷ, hội chứng Down và các khuyết tật tâm thần khác. Các em được dạy kỹ năng sống cơ bản, cao hơn là khả năng hoà nhập với xã hội.
Nhìn lại hành trình này, chị Zhao chia sẻ: “Tôi nhớ mãi một cô bé mắc chứng tự kỷ mồ côi cha mẹ. Dì của em đã thuê nhà gần trung tâm để em có thể đến học hàng ngày. Tôi rất xúc động trước sự hi sinh của dì cháu họ nên đã miễn học phí”.
Zhou cũng theo học tại trường và hiện nay có thể tự sinh hoạt. Có năng khiếu nghệ thuật, từ năm 2020, chàng trai bắt đầu theo đuổi con đường nghệ thuật. Thời gian tới, Zhou sẽ tổ chức buổi triển lãm tranh, góp phần nâng cao nhận thức về người tự kỷ.
“Vì con trai tôi mắc chứng tự kỷ nên tôi đã đi một con đường khác với những phụ huynh cùng trang lứa. Mỗi gia đình đều có khó khăn riêng và tôi đã vượt qua những thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời mình”, chị Zhao bày tỏ.
Theo Tú Anh/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-bon-phuong/trung-quoc-ba-me-mo-truong-day-tre-tu-ky-vi-con-trai-3mM2c0Tng.html