Taliban kêu gọi giải phóng hàng tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan khi nước này đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt, nạn đói và khủng hoảng di cư.
Lực lượng Taliban trên đường phố Afghanistan (Ảnh: Reuters).
Afghanistan đã gửi hàng tỷ USD tài sản tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác ở châu Âu, nhưng số tiền này đã bị đóng băng kể từ khi lực lượng Taliban lật đổ chính phủ do phương Tây hậu thuẫn và lên nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8.
"Số tiền này thuộc về nhà nước Afghanistan. Hãy đưa cho chúng tôi tiền của chúng tôi", người phát ngôn Bộ Tài chính Afghanistan Ahmad Wali Haqmal nói với Reuters.
"Việc đóng băng số tiền này là phi đạo đức, đi ngược lại mọi luật lệ và giá trị quốc tế", người phát ngôn nhấn mạnh.
Một quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Afghanistan đã kêu gọi các quốc gia châu Âu, bao gồm Đức, giải phóng số tiền dự trữ của Afghanistan để tránh kịch bản nền kinh tế Afghanistan sụp đổ kéo theo làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu.
"Tình hình đang nghiêm trọng và tiền mặt đang cạn dần. Lượng tiền bây giờ chỉ đủ cho Afghanistan tiếp tục duy trì đến cuối năm", Shah Mehrabi, thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, nói.
Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã cắt giảm phần lớn dự trữ tiền mặt bằng USD trong vài tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước.
"Dự trữ ngoại hối trong các kho bạc của ngân hàng trung ương ở Kabul đã cạn kiệt. Cơ quan này không thể đáp ứng nhu cầu về tiền mặt", báo cáo mật của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 9 cho biết.
Ông Mehrabi cảnh báo "châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất" nếu Afghanistan không tiếp cận được nguồn tiền bị đóng băng.
"Mọi người sẽ tuyệt vọng. Họ sẽ đến châu Âu", quan chức Afghanistan cho biết.
Theo ông Mehrabi, mặc dù chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây tuyên bố không giải phóng khoản dự trữ khoảng 9 tỷ USD do Afghanistan gửi tại Mỹ, nhưng các nước châu Âu có thể làm điều này. Ông nói rằng Đức đang giữ nửa tỷ USD tiền dự trữ của Afghanistan và nước này cũng như các nước châu Âu khác nên giải phóng những khoản tiền đó.
Ông Mehrabi cho biết Afghanistan cần 150 triệu USD mỗi tháng để "ngăn cuộc khủng hoảng sắp xảy ra", đồng thời giữ cho đồng nội tệ và giá cả ổn định.
"Nếu số tiền dự trữ vẫn bị đóng băng, các nhà nhập khẩu Afghanistan sẽ không thể thanh toán các lô hàng của họ, các ngân hàng sẽ bắt đầu sụp đổ, thực phẩm sẽ trở nên khan hiếm, các cửa hàng tạp hóa sẽ trống rỗng", ông Mehrabi cho biết.
Thủ đô Kabul và một số tỉnh thành khác của Afghanistan trong tháng này đã rơi vào cảnh mất điện diện rộng khi chính quyền Taliban không thể thanh toán nợ cho các nhà cung cấp do thiếu ngân sách, cạn kiệt tiền mặt cũng như chưa có cơ chế về việc thu tiền từ khách hàng. Afghanistan nhập khẩu khoảng 80% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ở các quốc gia láng giềng như Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.
Lời kêu gọi hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ của một nền kinh tế yếu kém. Sự rời đi của các lực lượng do Mỹ dẫn đầu và nhiều nhà tài trợ quốc tế khiến Afghanistan rơi vào khó khăn.
Cùng với cuộc khủng hoảng chính trị, dịch bệnh, Afghanistan còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo. Giá các mặt hàng thiết yếu như bột mì tăng chóng mặt trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày tăng, khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói khi mùa đông đến gần.
Mặc dù các cường quốc phương Tây muốn ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Afghanistan, nhưng họ từ chối chính thức công nhận chính phủ Taliban.
Người phát ngôn Bộ Tài chính cho biết Afghanistan sẽ cho phép phụ nữ được đến trường, nhưng không được ngồi cùng lớp với nam giới. Ngoài ra, quyền con người sẽ được tôn trọng nhưng trong khuôn khổ luật Hồi giáo và không bao gồm quyền của người đồng tính.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/taliban-doi-cac-nuoc-tra-hang-ty-usd-dong-bang-giua-luc-can-tien-20211029210003954.htm