Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh các nước thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine.
Một người dân ở Trung Quốc tiêm chủng vaccine Covid-19 hôm 20/6 (Ảnh: China Daily).
Hãng tin AP dẫn báo cáo của WHO ngày 13/10 cho biết, trong tuần trước, thế giới ghi nhận tổng cộng khoảng 2,8 triệu ca mắc Covid-19 và 46.000 ca tử vong, lần lượt giảm 7% và 10% so với tuần trước đó.
Chỉ có số ca nhiễm ở châu Âu tăng 7%, các khu vực còn lại đều giảm. Tại châu Âu, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là các nước có số ca nhiễm tăng mạnh nhất. Tuần qua, châu Âu cũng là khu vực có tỷ lệ tử vong tăng mạnh nhất, tăng 11% so với tuần trước nữa.
Ngược lại, số ca nhiễm ở châu Phi và Tây Thái Bình Dương giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 32% và 27%. Số ca tử vong vì Covid-19 ở cả hai khu vực này đều giảm khoảng hơn 30%.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019. Đến nay, đại dịch này đã lấy đi sinh mạng của gần 5 triệu người. Mỹ là nước có nhiều ca tử vong vì Covid-19 nhất với gần 720.000 trường hợp, tiếp đến là Brazil với hơn 600.000 trường hợp, Ấn Độ hơn 450.000 trường hợp.
Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 toàn cầu nói chung có xu hướng giảm từ cuối tháng 8 khi các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Nhiều nước đã tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho hơn 70% dân số và đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho trẻ em.
Anh bắt đầu tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người trong độ tuổi 12-15 từ tháng trước. Ở Đan Mạch (trẻ từ 12-15 tuổi) và Tây Ban Nha (trẻ từ 12-19 tuổi) phần lớn đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Tỷ lệ dân số tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ (Biểu đồ: Our World in Data).
Thận trọng với các biến chủng mới
Đẩy mạnh tiêm chủng là một phần trong kế hoạch của các nước nhằm tiến tới mục tiêu chung sống an toàn với đại dịch, biến Covid-19 thành bệnh đặc hữu theo mùa. Mặc dù vậy, giới chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng bởi vẫn còn nguy cơ xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn.
WHO đã phân loại nhóm biến chủng "đáng lo ngại" gồm 5 biến chủng, trong đó có Delta - biến chủng xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ đầu năm nay và hiện vẫn là biến chủng trội toàn cầu. Đây là nhóm biến chủng được đánh giá dễ lây lan hơn hoặc có độc lực cao hơn, dễ né miễn dịch hơn.
Trong một diễn biến liên quan, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm giải trình tự gen siêu vi EVT thuộc Đại học bang Louisiana, Mỹ vừa phát hiện một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có tên khoa học B.1.630 trong các mẫu bệnh ở khu vực Baton Rouge.
B.1.630 được phát hiện lần đầu tại Mỹ hồi tháng 3 năm nay, nhưng chưa được đặt tên theo chữ cái Hy Lạp do hiện rất ít mẫu được giải trình tự gen. B.1.630 chứa đột biến E484Q được cho là có thể giúp virus né hệ thống miễn dịch và dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Bà Krista Queen, Giám đốc Phòng thí nghiệm giải trình tự gen siêu vi EVT, cho biết: "Mặc dù tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng này còn thấp, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi bất cứ sự thay đổi nào để xem liệu tỷ lệ này có gia tăng không".
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/so-ca-nhiem-va-tu-vong-vi-covid19-toan-cau-giam-manh-20211014143931582.htm