Ngày 9-10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có bài phát biểu đáng chú ý trước toàn dân về tình hình dịch COVID-19, vạch ra một con đường rõ ràng tiến tới 'bình thường mới', tức sống chung thường trực với virus SARS-CoV-2.
Thực khách dùng bữa tại một khu ăn uống ở Singapore trong bối cảnh dịch bệnh vào hôm 21-9 - Ảnh: Reuters
Với gần 85% dân số tiêm ngừa đầy đủ, ông Lý nhận định Singapore cần 3 - 6 tháng nữa để chuẩn bị cho "bình thường mới".
Mọi người sẽ biết "bình thường mới" đã đạt được khi hầu hết các giới hạn được dỡ bỏ, khi số ca nhiễm mỗi ngày ổn định vài trăm và không tăng, khi bệnh viện trở lại trạng thái cũ. Vài nước châu Âu đã đạt được điều này nhưng trả cái giá quá lớn về mạng người, Singapore sẽ làm một cách thận trọng.
Thủ tướng Lý Hiển Long
Tỉ lệ tử vong, nguy kịch chỉ 0,2%
Trong nhóm quốc gia phát triển, Singapore có thể xem là thành công nhất với chiến dịch tiêm ngừa COVID-19: vừa tiếp cận sớm vắc xin, vừa đạt được tỉ lệ bao phủ, từ đó kéo tỉ lệ bệnh nặng và tử vong xuống mức rất thấp so với trung bình thế giới.
Cụ thể, chỉ 2% bệnh nhân COVID-19 ở Singapore tiến triển nặng, trong đó 0,2% - tức cứ 1.000 người mới có 2 người - tử vong hoặc cần nằm phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Lấy ví dụ 423 ca bệnh nặng trong 2 tuần qua, hơn một nửa (53,9%) là người chưa tiêm ngừa, số còn lại đã tiêm ngừa nhưng có bệnh nền.
Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá chiến lược "Zero COVID" ban đầu của Singapore đã giúp nước này tránh được tổn thất lớn về người, nhưng sự xuất hiện của chủng Delta siêu lây nhiễm đồng nghĩa dù có tiêm chủng toàn dân thì cũng không thể dập hết ca nhiễm bằng cách phong tỏa hay giới hạn xã hội.
"Ca nhiễm sẽ tăng trở lại ngay khi các biện pháp được nới lỏng, một phần do đa số người dân chưa từng nhiễm bệnh. Đó là tại sao mọi người cần chuẩn bị tâm lý chứng kiến số ca nhiễm cao trong thời gian tới" - ông Lý giải thích.
Tối 9-10, Bộ Y tế Singapore công bố 3.703 trường hợp nhiễm COVID-19 mới và 11 người chết. Tính chung từ đầu dịch, Singapore đã ghi nhận 124.157 ca và 153 trường hợp tử vong. Những con số này tuy là "cao" theo tiêu chuẩn Singapore nhưng thuộc hàng rất thấp nếu so với những nơi khác.
Giáo sư Tikki Pang - chuyên gia bệnh truyền nhiễm Đại học quốc gia Singapore, cựu nghiên cứu viên Tổ chức Y tế thế giới - mô tả đây là giai đoạn chuyển tiếp dần để Singapore quay lại cuộc sống bình thường.
"Về lâu dài, điều này sẽ trở nên phổ biến. Vì tôi nghĩ hầu hết các chính phủ sẽ chấp nhận sự thật rằng con virus sẽ không biến mất, nó sẽ trở thành đặc hữu và chúng ta phải học cách sống chung với nó như bệnh cảm cúm" - ông Pang dự báo.
Dữ liệu: Minh Trung tổng hợp - Đồ họa: N.KH.
Đừng sống trong sợ hãi
Cũng trong bài phát biểu, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi: "COVID-19 hiện đã là căn bệnh nhẹ và có thể chữa nếu đã tiêm vắc xin, mọi người cần tôn trọng con virus nhưng không nên sống trong sợ hãi vì nó. Mọi người hãy tiếp tục cuộc sống thường nhật đi kèm với các biện pháp đề phòng".
Theo ông Lý, việc 98% bệnh nhân COVID-19 có thể tự hồi phục, như mắc bệnh cúm, là lý do Singapore chuyển trọng tâm sang điều trị tại nhà, giải phóng giường bệnh cho những đối tượng có nguy cơ chuyển nặng cao.
Nhà lãnh đạo dự báo hệ thống y tế Singapore có thể tiếp tục chịu áp lực trong vài tuần nữa khi ca nhiễm mỗi ngày còn tăng nhưng cuối cùng nó sẽ giảm. "Từ kinh nghiệm của các nước khác, hy vọng giai đoạn này chỉ kéo dài trong một tháng nữa" - ông nói.
Singapore dự kiến nới lỏng các biện pháp kiểm soát khi tình hình được cải thiện, nhưng sẽ thận trọng để tránh kích hoạt làn sóng lây nhiễm mới.
Trong tương lai, các đợt dịch dự báo sẽ nhẹ hơn nhờ năng lực y tế được nâng cao, và khi càng có nhiều người phơi nhiễm thì mức độ đề kháng trong cộng đồng cũng tăng lên.
Ông Ooi Peng Lim Steven, nhà dịch tễ thuộc Trung tâm quốc gia bệnh truyền nhiễm (Singapore), nhận xét kinh nghiệm của Singapore có thể là bài học cho các nước khác khi tìm kiếm sự cân bằng giữa "mạng người và kinh tế" giữa đại dịch.
"Tái mở cửa thận trọng xen kẽ những giai đoạn cảnh giác cao đã được chứng minh là khả thi. Chìa khóa kiểm soát COVID-19 đối với bất cứ quốc gia nào là kết hợp thành công tiêm chủng, xét nghiệm - truy vết hợp lý, các biện pháp vệ sinh cộng đồng và giãn cách vào một hệ thống vận hành hiệu quả" - vị chuyên gia giải thích.
3 quy tắc "ứng xử với COVID"
Singapore đề ra 3 quy tắc ứng xử với COVID-19 và áp dụng từ 11-10.
Quy tắc 1: Những ai cảm thấy không khỏe và test dương tính nên đi khám bác sĩ. Họ có thể được chữa trị tại nhà theo mặc định (nếu thuộc nhóm nguy cơ thấp) hoặc có thể phục hồi tại các trung tâm chăm sóc nếu điều kiện ở nhà không phù hợp.
Quy tắc 2: Những ai test dương tính và cảm thấy khỏe cần tự cách ly tại nhà trong 72 giờ tiếp theo. Sau 72 giờ, họ có thể test lại, nếu âm tính thì có thể ngừng cách ly và trở lại hoạt động bình thường.
Quy tắc 3: Mọi quy định y tế hiện hành, bao gồm lệnh cách ly, sẽ được thay thế bằng Cảnh báo rủi ro sức khỏe (HRW). Khi nhận được HRW (ngày 1), người dân cần tự cách ly ngay lập tức, test nhanh kháng nguyên (ART) và gửi kết quả lên hệ thống.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/singapore-than-trong-nhung-khong-so-virus-20211011082437591.htm