Rút kinh nghiệm phải tranh giành căng thẳng vừa qua, một số nước đã bắt đầu đàm phán sớm để có được giá vắc xin hợp lý và đủ dùng cho chương trình tiêm tăng cường trong năm 2022.
Các hãng dược thường kèm điều kiện giữ kín giá bán trong hợp đồng vì lo các nước khác dựa trên đó làm cơ sở đàm phán. Pfizer xác nhận hãng áp dụng tới 3 giá bán khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia - Ảnh: AFP
Phục vụ chương trình tiêm tăng cường (tiêm mũi 3) trong nước và lo sợ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đẩy giá vắc xin lên cao là hai lý do khiến các nước đàm phán mua vắc xin sớm.
Giữa tháng 8 vừa qua, Vương quốc Anh, nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất châu Âu, đã bắt đầu đàm phán mua hàng chục triệu liều vắc xin để dùng vào mùa thu năm tới. Thời điểm đó Chính phủ Anh vẫn đang tranh luận sôi nổi về việc có nên tiêm tăng cường mũi 3 hay không.
Dù mọi chuyện chưa ngã ngũ, Anh đã nhanh chóng "chốt đơn" 35 triệu liều Pfizer với giá 22 bảng/liều bất chấp việc mắc hơn 4 bảng so với hợp đồng trước đó.
Theo giải thích của truyền thông Anh, nguyên nhân tăng giá là do sự xuất hiện của các biến thể mới của SARS-CoV-2 khiến các nước sốt sắng tìm mua vắc xin, đẩy nhu cầu trên toàn cầu lên cao.
Báo The Guardian của Anh lưu ý Pfizer/BioNTech và Moderna đã tăng giá bán sau khi có các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin của các hãng này vẫn cho hiệu quả cao với biến thể Delta.
Trong lúc đó AstraZeneca và Johnson & Johnson vẫn tiếp tục cam kết cung cấp vắc xin trên cơ sở phi lợi nhuận cho đến khi đại dịch kết thúc. Giá mỗi liều AstraZeneca dao động từ 2 - 5 USD chủ yếu là do chi phí vận chuyển và bảo quản khác nhau.
Mặc dù vậy, AstraZeneca đã đánh tiếng có thể tăng giá trong lúc hãng bắt đầu nghiên cứu công thức vắc xin mới đủ sức chống lại các biến thể nguy hiểm. Kết quả thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ có vào cuối năm nay.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết hãng sẽ tăng giá "vào một thời điểm nào đó trong tương lai". "Chúng tôi không thể phi lợi nhuận mãi mãi, nhưng chúng tôi không bao giờ có ý định kiếm lợi nhuận lớn", ông Soriot giãi bày hồi tháng 7 rồi.
Trên lục địa châu Âu, rút kinh nghiệm từ vụ AstraZeneca không giao đủ vắc xin trong thời gian đã hẹn, Liên minh châu Âu (EU) quyết định "bỏ trứng vào nhiều rổ".
Ngoài Pfizer và Moderna đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp, EU cũng đàm phán mua thêm 200 triệu liều vắc xin Novavax (Mỹ) dù Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu vẫn chưa cấp phép. Theo The Guardian, Đan Mạch đã đặt 280.000 liều Novavax với giá gần 21 USD/liều.
Tại châu Á, giới chức Hàn Quốc lo lắng việc giá vắc xin "nhảy múa" có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mua 50 triệu liều cho năm 2022. Seoul đã chuẩn bị ngân sách cho 50 triệu liều và đặt mục tiêu ký được hợp đồng trong nửa cuối năm nay.
Theo Hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc đã kéo giãn thời gian giữa hai mũi vắc xin Pfizer và Moderna từ 3-4 tuần lên 6 tuần vì nguồn cung thiếu hụt lúc đầu. Bắt đầu từ tháng 10 này, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi 1 và 2 của hai loại vắc xin trên theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Mới đây nhất, hôm 7-10, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo đã chốt hợp đồng mua 120 triệu liều Pfizer bắt đầu giao từ tháng 1-2022 với giá không được tiết lộ.
Hãng dược Takeda, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối 50 triệu liều Moderna trong năm nay, sẽ tiếp tục nhận thêm 50 triệu liều nữa trong năm tới.
Công ty này cũng đã hoàn tất hợp đồng bán cho Chính phủ Nhật Bản 150 triệu liều vắc xin sản xuất theo công nghệ của Novavax.
Theo Bảo Duy/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/cac-nuoc-lai-bat-dau-gom-vac-xin-cho-nam-sau-20211009190135637.htm