Trong 18 tháng qua, New Zealand đã giữ vững chiến lược “không Covid” nhưng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta khiến quốc gia này phải thay đổi biện pháp chống dịch.
Ảnh minh họa/INT
Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, New Zealand đã áp dụng chiến lược “không Covid-19”, đồng nghĩa áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng rắn để bảo vệ đất nước trước mối nguy đại dịch. Kế hoạch này đã thu về một số kết quả tích cực như tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong thấp; cuộc sống của người dân ít bị hạn chế; tỷ lệ thất nghiệp thấp; nền kinh tế duy trì ổn định.
Nhưng gần 2 tháng sau khi biến chủng Delta bùng phát, mọi chuyện đang dần thay đổi. Chính quyền Aukland, thành phố đông dân nhất New Zealand đã áp lệnh phong tỏa 7 tuần để dập dịch nhưng số ca nhiễm mới vẫn tăng.
Thủ tướng Jacinda Ardern thừa nhận chiến lược “không Covid” đã thất bại trong việc khống chế đợt dịch mới do biến thể Delta gây ra. New Zealand đang tìm cách khác để đối mặt với dịch thay vì đưa số ca nhiễm về 0 như chiến lược “không Covid”, trong đó ưu tiên nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Vào ngày 4/10, Thủ tướng Ardern đã công bố kế hoạch đối phó với Covid-19 theo ba bước. Đầu tiên, người dân được phép tụ tập ngoài trời, sau đó, các cơ sở giáo dục mầm non sẽ được mở lại. Cuối cùng là các cửa hàng bán lẻ, dịch vụ khách sạn. Lệnh phong tỏa tại thành phố Auckland sẽ được nới lỏng theo từng giai đoạn, bắt đầu từ ngày 6/10.
Kế hoạch thay đổi một phần nhờ khả năng tiêm chủng vắc-xin quốc gia. Ước tính khoảng 2 triệu người dân New Zealand đã tiêm chủng đầy đủ, tương đương khoảng 48% dân số. Khi 90% dân số hoàn thành tiêm chủng, biện pháp phong tỏa sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn.
Những quy định mới không đồng nghĩa New Zealand sẽ từ bỏ mục tiêu “không Covid”. Nhưng điều này vẫn gây nên lo ngại, giận dữ trong phần đông người dân cả nước, những người đã cảm thấy an toàn với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt theo chiến lược cũ.
Nhà vi sinh vật học Siouxsie Wiles đánh giá chiến lược “không Covid” đã mang lại sự công bằng cao khi bảo vệ gần như tất cả người dân New Zealand. Khi đất nước chuyển hướng cho phép nới lỏng các biện pháp phòng chống, kết quả sẽ tương tự như những gì đang xảy ra trên toàn thế giới. Người nghèo, người khuyết tật hoặc người dân tộc thiểu số sẽ là nhóm đầu tiên bị ảnh hưởng, bị tàn phá.
TS Sarb Johal, nhà tâm lý học người New Zealand, bày tỏ: “Mọi người đang lo sợ, đau buồn vì không còn được bao bọc trong hệ thống phòng chống dịch cũ. “Không Covid” đã đem lại những kết quả tích cực mà người dân khó có thể chấp nhận việc xoá sổ nó”.
Nhiều người nghi ngại New Zealand sẽ bước vào vết xe đổ của Anh sau “ngày tự do”, khi người dân đã tiêm 2 mũi vắc-xin tràn ra đường không biện pháp bảo vệ. Nhưng chính phủ New Zealand đã trấn an biện pháp phòng chống dịch mới dù không đi theo “không Covid” nhưng cũng không có “ngày tự do”.
Chính quyền các địa phương nên tập trung nâng cao số lượng người tiêm chủng. Người dân không nên lo sợ số ca nhiễm tăng, thậm chí sẵn sàng cho điều này khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mục tiêu.
Theo Vinh Hiểu/ GD & TĐ
https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/ke-hoach-thay-doi-cuoc-choi-T7YBEcDng.html