Sau Thượng viện, Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật ngân sách tạm để ngăn chính phủ đóng cửa, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố hòa giải trong Đảng Dân chủ về các gói chi tiêu.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ký vào dự luật ngân sách tạm giúp chính phủ tránh đóng cửa vào ngày 30-9 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, với 254 phiếu thuận và 175 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cấp ngân sách tạm thời nhằm ngăn chặn khả năng đóng cửa chính phủ ngay trước hạn chót vào nửa đêm 30-9, giờ địa phương. Trước đó, dự luật đã được Thượng viện thông qua.
Dự luật đã được ông Biden ký thông qua ngay sau đó. Dự luật ngân sách tạm này cho phép chính phủ mở cửa đến ngày 3-12, giúp các nhà lập pháp Mỹ có thêm thời gian để đàm phán các dự luật chính.
Trong ngày 30-9, ông Biden đối mặt với cuộc bỏ phiếu quan trọng đầu tiên ở Hạ viện đối với gói chi dành cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD. Gói hạ tầng này cùng khoản chi tiêu 3.500 tỉ USD, được xem là cốt lõi trong chương trình nghị sự của ông Biden. Khoản ngân sách "Build Back Better" (Xây dựng lại tốt hơn), bao gồm tăng chi cho y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu, là chìa khóa để đảm phe Dân chủ vượt qua cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ cũng chia rẽ sâu sắc về 2 gói chi tiêu tốn kém này.
Theo Reuters, ông Biden và các trợ lý đang chuẩn bị cắt giảm các mục tiêu tham vọng trong gói chi tiêu với hy vọng xoa dịu phản ứng trong đảng.Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết ông Biden đang tìm cách thương lượng với các chính trị gia về gói ngân sách.
Ngoài ra, một cuộc chiến khác đang bế tắc trong Chính phủ Mỹ là việc nâng trần nợ công. Nếu hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không đạt được thỏa thuận, viễn cảnh vỡ nợ có thể xảy ra với khả năng xóa sổ khoảng 6 triệu việc làm và 15.000 tỉ USD tài sản hộ gia đình, phá hủy nền kinh tế.
Đảng Cộng hòa phản đối việc nâng trần nợ công. Ông Mitch McConnell, lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cáo buộc Đảng Dân chủ đang âm mưu "in và vay hàng ngàn tỉ USD" để phung phí.
Lần đóng cửa chính phủ gần đây nhất xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, dài 35 ngày trước khi kết thúc vào tháng 1-2019. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính việc chính phủ ngừng hoạt động năm 2018-201919 làm thiệt hại 11 tỉ USD cho nền kinh tế.
Theo Trần Phương/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/my-tam-tranh-nguy-co-dong-cua-chinh-phu-20211001064846515.htm