Trung Quốc nghi ngờ rằng, Mỹ đang nỗ lực để đạt được vị trí mạnh nhất trên không gian, và kêu gọi Washington cùng với Bắc Kinh và Moscow đàm phán ngăn chạy đua vũ trang trên vũ trụ.
Đại sứ giải trừ quân bị của Trung Quốc Li Song (Ảnh: Thời báo Hoàn cầu).
Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc ngày 29/9, Đại sứ giải trừ quân bị của Trung Quốc Li Song đã kêu gọi Mỹ cùng Nga và Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán về việc cấm vũ khí trên không gian.
Ông Li cho rằng, từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đang nỗ lực để trở thành cường quốc nắm giữ vị trí số một trên không gian. Đại sứ Trung Quốc sử dụng ngôn từ khá mạnh, cáo buộc Mỹ "ngáng đường" trong nỗ lực hợp tác về không gian.
Trung Quốc và Nga lần đầu tiên công bố Hiệp ước về ngăn chặn việc bố trí vũ khí trong không gian và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với các vật thể ngoài vũ trụ vào năm 2008. Trong thỏa thuận có điều khoản, những bên ký vào phải cam kết không đặt vũ khí hoặc đe dọa dùng vũ lực ngoài không gian, tránh những hoạt động "không phù hợp với hiệp ước".
Tuy nhiên, động thái trên đã bị Mỹ hoài nghi, vì cho rằng thỏa thuận trên là một nỗ lực phối hợp nhằm hạn chế Washington phát triển năng lực tiên tiến trên không gian.
Mỹ và các đồng minh đã bác bỏ đề nghị trên, viện dẫn nhiều lý do, bao gồm việc thỏa thuận này thiếu các hạn chế đối với việc phát triển vũ khí trên mặt đất có thể được sử dụng trong không gian và thỏa thuận cũng không nêu rõ cơ chế xác minh việc một quốc gia thực tế thực hiện hiệp ước như thế nào.
Cuộc đua trong không gian giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc đang nóng lên từng ngày (Ảnh minh họa: BRG).
Trước đó, Liên minh châu Âu EU đã đề xuất rằng một bộ quy tắc ứng xử trên không gian là điều cần thiết. Trong khi đó, Anh thúc đẩy việc thiết lập các quy tắc quân sự quốc tế trong không gian, động thái mà Mỹ có khả năng cao sẽ ủng hộ, theo Breaking Defense.
Tuy nhiên, ông Li cho rằng, đề xuất của Anh, vốn chỉ dừng lại ở cơ chế kiểm soát vũ khí trên không gian, là chưa đủ.
Theo SCMP, là một bên mới gia nhập cuộc đua không gian, Trung Quốc thời gian qua đã nhanh chóng có các nỗ lực nhằm hướng tới vị trí dẫn đầu về công nghệ vũ trụ trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Cùng với đó, họ cũng hợp tác với Nga trong việc phát triển công nghệ vũ trụ.
Trong khi Trung Quốc khẳng định chương trình vũ trụ của họ vì mục đích hòa bình, Mỹ lại tỏ ra hoài nghi với tuyên bố này.
Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lập ra Lực lượng Không gian trực thuộc quân đội Mỹ nhằm phản ứng với thách thức an ninh từ Nga và Trung Quốc.
Năm ngoái, trong chiến lược quốc phòng được công bố, Lầu Năm Góc liệt kê Trung Quốc và Nga là "mối đe dọa chiến lược" vì nghi ngờ 2 nước này có thể "đã vũ khí hóa không gian để giảm hiệu quả quân sự của Mỹ và đồng minh và thách thức việc tự do hoạt động trong không gian".
Theo Đức Hoàng/Dân trí (nguồn SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-lo-my-thanh-sieu-cuong-so-mot-trong-khong-gian-20210930071737731.htm