Triều Tiên và Hàn Quốc ngày càng lún sâu vào cuộc chạy đua vũ trang khi cả 2 miền Triều Tiên cùng thử nghiệm tên lửa đạn đạo hôm 15-9, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Theo lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Triều Tiên đã phóng lần lượt 2 tên lửa ra vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên cách nhau 5 phút vào sáng 15-9. Chưa đầy 3 giờ sau, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) từ tàu ngầm ROKS Dosan Ahn Changho 3.000 tấn.
Theo Yonhap news, Văn phòng Tổng thống Moon Jae-in cho biết loại vũ khí này được kỳ vọng sẽ giúp Hàn Quốc ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài, tăng cường thế tự vệ và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà Xanh tuyên bố Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tự sản xuất sau vụ thử thành công hôm 15-9. Trước Hàn Quốc, 6 quốc gia sở hữu năng lực sản xuất SLBM đủ tiêu chuẩn để hoạt động trên thực địa cũng như có giá trị chiến lược cao là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Ấn Độ.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết nước này đã thành công trong việc phát triển một loại tên lửa đạn đạo mới có khả năng mang đầu đạn nặng hơn và mạnh hơn. Bên cạnh đó, tên lửa hành trình siêu thanh đã được phát triển, nhanh hơn nhiều so với những tên lửa hiện có trong kho vũ khí và sẽ sớm được triển khai cho các đơn vị quân đội Hàn Quốc.
Người dân theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 15-9 ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc Ảnh: REUTERS
Phản ứng về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kịch liệt lên án khi gọi đây là "hành động thái quá" và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.
Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng trên. Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần trước và gọi đây là vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn.
Các vụ thử tên lửa hôm 15-9 của cả Triều Tiên và Hàn Quốc diễn ra chỉ vài giờ sau khi ông Moon và các quan chức cấp cao khác có cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Seoul.
Theo đài CNN, tại cuộc gặp, ông Moon cho rằng phía Bình Nhưỡng không đáp lại những nỗ lực của Seoul và Washington về cuộc đối thoại liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Theo hãng tin AP, ông Vương khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
GS Leif-Eric Easley tại Trường ĐH Nữ sinh Ewha ở Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên dường như quyết tâm hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định các cuộc thử nghiệm tên lửa gần đây cho thấy Triều Tiên đang tăng cường kho vũ khí nhằm gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh cuộc đàm phán về hạt nhân giữa hai bên gặp bế tắc.
Ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm Ngoại giao và An ninh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc, cho hay Triều Tiên tin rằng giá trị của họ ngày càng lớn trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang.
Động thái phóng tên lửa của Triều Tiên bị xem là điều bất thường khi Trung Quốc, đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, đang tham dự một sự kiện ngoại giao lớn.
Triều Tiên cũng cho rằng mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc sẽ không bị suy giảm vì vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, GS Hwang Jae-ho tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hàn Quốc nhận định các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể tạo cơ hội hiếm hoi buộc Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/khi-trieu-han-so-gang-ten-lua-20210915212555353.htm