Trang Nikkei Asia (Nhật Bản) ngày 14-9 trích dẫn dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này đang lên kế hoạch xây dựng ảnh hưởng ở châu Á giữa lúc nỗi lo liên quan đến Trung Quốc gia tăng.
Theo dự thảo, EU cam kết theo đuổi các mối quan hệ thương mại và đầu tư với những đối tác mà họ chưa có thỏa thuận tại khu vực. Đáng chú ý, EU sẽ thăm dò khả năng thương thảo về thỏa thuận đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), quản trị dữ liệu và đổi mới dựa trên dữ liệu… EU cũng tìm cách củng cố chuỗi giá trị chất bán dẫn với các đối tác châu Á sau khi đại dịch Covid-19 làm gia tăng nỗi lo liên quan đến lỗ hổng trong chuỗi cung ứng công nghiệp.
Tàu khu trục Pháp Prairial (phải) trong một cuộc tập trận với tàu chiến Mỹ và Nhật Bản hồi đầu năm 2021. Ảnh: LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ TRÊN BIỂN NHẬT BẢN (JMSDF)
Xác định Trung Quốc là trung tâm trong các nỗi lo của EU, dự thảo cảnh báo căng thẳng xoay quanh các vùng lãnh thổ và vùng biển tranh chấp có thể "tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của châu Âu". Vì thế, EU lên kế hoạch tăng cường điều tàu chiến thăm cảng và tập trận chung với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bảo vệ tự do hàng hải và chống cướp biển. Khối này cũng sẽ cân nhắc chỉ định một số khu vực thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là "khu vực hàng hải quan tâm" nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai tàu và máy bay của các nước thành viên đến đó.
Chưa hết, theo tài liệu, EU cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với nhóm Quad ("Bộ tứ", gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) trong những vấn đề cùng quan tâm, như biến đổi khí hậu, công nghệ, vắc-xin... Đây cũng là những nội dung thảo luận quan trọng khi các nhà lãnh đạo nhóm "Bộ tứ" dự kiến gặp nhau tại Nhà Trắng ngày 24-9. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 13-9 cho biết đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm "Bộ tứ", qua đó cho thấy Tổng thống Joe Biden xem khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại khi Washington ứng phó các thách thức của thế kỷ XXI thông qua các cơ chế đa phương mới. Theo trang Bloomberg, nỗ lực đối phó sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực chắc chắn là một nội dung thảo luận quan trọng tại cuộc gặp sắp tới.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/eu-nhom-bo-tu-va-noi-lo-ve-trung-quoc-20210914215942683.htm