Trong bối cảnh các quốc gia hạt nhân tiếp tục nâng cấp và đôi khi mở rộng kho vũ khí chiến lược, đà giảm vũ khí hạt nhân từ đầu thập niên 1990 dường như đã bị dừng lại và có dấu hiệu đảo chiều.
Một tên lửa có thể trang bị đầu đạn hạt nhân của Mỹ
“Xu hướng cắt giảm vũ khí hạt nhân mà chúng ta quen thuộc từ cuối Chiến tranh Lạnh giờ đây dường như đang chững lại”, Hãng AFP hôm 14.6 dẫn lời chuyên gia Hans Kristensen của Chương trình Giải giới, Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Sĩ)
SIPRI ước tính số lượng vũ khí hạt nhân của thế giới vào đầu năm 2021 là 13.080, giảm nhẹ so với 13.400 vào năm trước đó. Nhóm 9 quốc gia được SIPRI thống kê bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, số liệu mới đã bao gồm các đầu đạn đã về hưu và đang chờ được xử lý. Nếu loại bỏ nhóm này, số vũ khí hạt nhân nằm trong các kho của quân đội phải tăng từ 9.380 lên 9.620.
Bên cạnh đó, số lượng vũ khí hạt nhân được triển khai tăng từ 3.720 lên 3.825. Trong số này, khoảng 2.000 đầu đạn đang được duy trì trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa trong vòng vài phút.
“Chúng tôi đang chứng kiến quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ các dòng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và ở mọi quốc gia sở hữu dòng vũ khí này”, ông Kristensen cho biết.
Chuyên gia SIPRI cũng nhận định rằng nhóm nước thuộc câu lạc bộ hạt nhân dường như đang nâng tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân trong các chiến lược của quân đội.
Sự thay đổi này có thể thấy rõ ở Nga và Mỹ, hai nước sở hữu hơn 90% số vũ khí hạt nhân của thế giới.
Dù Mỹ và Nga tiếp tục giải giới các đầu đạn hạt nhân đã về hưu, cả hai đều tăng thêm 50 đầu đạn sẵn sàng được phóng vào đầu năm 2021 so với một năm trước đó.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/the-gioi-co-2000-vu-khi-hat-nhan-san-sang-khai-hoa-trong-vong-vai-phut-1398471.html