Các trường hợp đã tiêm vắc xin COVID-19 nhưng vẫn mắc bệnh rất hiếm xảy ra, ở Mỹ tỉ lệ này chỉ 0,01%. Cho đến nay, vắc xin cực kỳ hiệu quả trong việc giảm các trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19.
Một bé gái tham gia thử nghiệm tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng Moderna - Ảnh: Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ
Vắc xin bị "qua mặt", đâu dễ!
Các chuyên gia y tế đang tranh cãi về hiện tượng hiếm breakthrough infection (nhiễm bệnh sau tiêm vắc xin), xảy ra sau khi đã tiêm vắc xin COVID-19 ở một số ít trường hợp, theo báo Mercury News của Mỹ.
Bác sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về an toàn virus của Đại học California-San Francisco, cho rằng với những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 và không có triệu chứng, họ có thể dương tính khi xét nghiệm COVID-19 do cơ thể đang hoạt động để chống lại virus nhưng không có nghĩa là họ có nguy cơ lây cho người khác.
"Tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi định nghĩa về thế nào là ‘nhiễm virus’ ở thời điểm này", bác sĩ Gandhi kêu gọi.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận các trường hợp đã tiêm vắc xin mà vẫn dương tính là "nhiễm bệnh sau tiêm vắc xin", khi người mắc đã tiêm đủ liều ít nhất 2 tuần.
Nghiên cứu của CDC khẳng định các trường hợp này là "rất hiếm", chỉ chiếm 0,01% trong số những người Mỹ đã tiêm đủ vắc xin trong năm 2021. Và trong số những người tiêm đủ vắc xin vẫn bị nhiễm này, có 27% không có triệu chứng.
Đối với kêu gọi của bác sĩ Gandhi, bà Martha Sharan, người phát ngôn của CDC Mỹ, nói CDC Mỹ không có kế hoạch thay đổi định nghĩa về các trường hợp nhiễm bệnh sau tiêm.
Vắc xin có tỉ lệ hiệu quả khác nhau
Theo trang The Conversation, ban đầu các nhà nghiên cứu chỉ hy vọng phát triển thành công một loại vắc xin phòng COVID-19 giúp 50% người được tiêm không có các triệu chứng COVID-19 (giảm mức độ bệnh nặng, phải nhập viện, và tử vong). May mắn là hiệu quả của các loại vắc xin hiện nay là hơn mong đợi.
Thực tế ở Israel, vắc xin do Pfizer-BioNTech phát triển cho thấy hiệu quả đến 95,3% sau hai mũi tiêm.
Trong khi đó theo giới chức y tế Anh, vắc xin AstraZeneca đạt hiệu quả 89% trong việc phòng ngừa triệu chứng của COVID-19 ở những người đã tiêm đủ hai liều.
Vắc xin có hiệu quả không có nghĩa là nó giúp người đã tiêm không nhiễm virus. Chẳng hạn vắc xin bại liệt không hoàn toàn ngăn virus phát triển trong ruột nhưng nó vẫn cực kỳ hiệu quả trong việc kích hoạt các kháng thể ngăn virus lan vào não và tủy sống.
Người dân nên kỳ vọng một cách thực tế là không một loại vắc xin nào có thể ngăn chặn hoàn toàn, tuyệt đối các loại bệnh tật. Mọi loại vắc xin đều có một tỉ lệ nhất định các trường hợp bị nhiễm sau tiêm.
Các loại vắc xin COVID-19 phổ biến hiện nay có hiệu quả khoảng 90% hoặc hơn. Vì vậy, có một tỉ lệ nhỏ những người đã được tiêm vắc xin đầy đủ nhưng vẫn bị nhiễm, nhập viện hay thậm chí tử vong do COVID-19. Đó là chưa kể đến những trường hợp không có triệu chứng không được ghi nhận.
Vắc xin và phòng bệnh đi đôi
Nếu chỉ dựa vào vắc xin, muốn đẩy lùi đại dịch sẽ cần thời gian lâu dài, trang The Conversation nhận định. Với các bệnh như thủy đậu, sởi và ho gà - dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào khi hệ miễn dịch yếu và tỉ lệ tiêm vắc xin giảm.
CDC Mỹ đã nới lỏng các hướng dẫn về sử dụng khẩu trang với ý nghĩa những người đã được tiêm vắc xin được an toàn và sẽ không bị COVID-19 nặng sau tiêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã gần đạt đến miễn dịch cộng đồng (tức khoảng 70% dân số trở lên được tiêm vắc xin) và cả khi có bằng chứng là người tiêm vắc xin không phát tán virus, các chuyên gia cho rằng mỗi người vẫn cần tránh khả năng bị nhiễm bệnh. Cụ thể là tiếp tục duy trì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn cho đến khi chúng ta có biện pháp đối phó hiệu quả hơn với virus.
Ngoài ra, các nhà khoa học chưa thể khẳng định chắc chắn liệu một người đã tiêm vắc xin có còn khả năng phát tán virus nữa hay không. Các bằng chứng ban đầu cho thấy rủi ro này là rất thấp. Hiện tại, các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn xác nhận vắc xin COVID-19 giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh ở phần lớn người được tiêm.
Theo Hồng Vân/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/my-tiem-vac-xin-nhung-van-nhiem-covid-19-rat-hiem-chi-0-01-20210613105312702.htm