Lệnh thiết quân luật đã được ban bố vào tối 8-2 (giờ địa phương) tại những thành phố lớn nhất Myanmar, trong đó có Yangon và Mandalay.
Theo thông báo của Tổng cục Hành chính, người dân bị cấm biểu tình hay tụ tập nhóm trên 5 người và lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 20 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.
Thông báo trên được đưa ra sau khi hàng chục ngàn người Myanmar tham gia biểu tình đến ngày thứ 3 ở khắp các thị trấn và thành phố để phản đối việc quân đội nắm quyền và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm 1-2.
"Lệnh được áp dụng cho đến khi có thông báo khác. Một số người đang hành động 1 cách đáng lo ngại và có thể gây hại đến sự an toàn của người dân và cơ quan thực thi pháp luật. Chính vì vậy, lệnh này cấm tụ tập, phát biểu nơi công cộng, biểu tình bằng phương tiện hoặc các cuộc vận động" - trích thông báo của 1 thị trấn ở TP Mandalay.
Người dân Myanmar biểu tình phản đối cuộc đảo chính tại Naypyitaw hôm 8-2. Ảnh: EPA-EFE
Biểu tình tại TP Yangon. Ảnh: Reuters
Tuần trước, quân đội đã bắt giữ bà Suu Kyi và hàng chục thành viên Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ. Đến nay, chính phủ quân đội đã hạn chế sử dụng vũ lực để chống lại các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp đất nước. Tuy nhiên, khi áp lực gia tăng, cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng để giải tán hàng nghìn người tụ tập ở thủ đô Naypyitaw hôm 8-2.
Cùng ngày, Tổng tư lệnh Quân đội Min Aung Hlaing kêu gọi người dân ưu tiên thực tế thay vì cảm xúc và khẳng định 1 cuộc bầu cử sẽ được tổ chức để trao quyền cho đảng thắng cuộc.
Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ cuộc đảo chính, ông Hlaing tuyên bố chính quyền quân đội lần này khác với những lần trước. Tổng tư lệnh cho biết những bộ trưởng phù hợp sẽ được lựa chọn, chính sách đối ngoại được giữ nguyên và các nước sẽ được khuyến khích đầu tư vào Myanmar.
Ông Hlaing nhắc lại việc có những bất thường bị bỏ qua trong cuộc bầu cử năm ngoái và nói rằng không có tổ chức nào được đứng trên luật pháp. Người đứng đầu quân đội Myanmar không nhắc đến bà Suu Kyi.
Cảnh sát dùng vòi rồng giải tán đám đông. Ảnh: EPA-EFE
Mỹ lo ngại về lệnh thiết quân luật ở Myanmar
Ngày 8-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói Mỹ lo ngại về lệnh thiết quân luật của Myanmar. "Chúng tôi đứng về phía người dân Myanmar, ủng hộ quyền tụ tập của họ, bao gồm cả việc biểu tình ôn hòa để ủng hộ chính phủ dân chủ" - trích lời ông Price tại một cuộc họp báo.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar đánh dấu thử thách lớn đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trong việc cam kết ưu tiên nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ và hợp tác nhiều hơn với các đồng minh trong các thách thức quốc tế.
Ông Price cho biết Mỹ "đang hành động nhanh chóng" để đưa ra phản ứng với cuộc đảo chính ở Myanmar. Theo lời ông, các quan chức Mỹ đã thúc giục Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế lên án "hành động phản dân chủ" của quân đội Myanmar.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/myanmar-thiet-quan-luat-nhieu-thanh-pho-20210209091448571.htm