Hơn một năm sau khi ca Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), thế giới đã ghi nhận hơn 100 triệu ca.
Hãng AFP ngày 27.1 đưa tin thế giới ghi nhận hơn 100 triệu ca mắc Covid-19, trong khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin.
Theo Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thế giới hiện ghi nhận tổng cộng 100.216.403 ca mắc Covid-19, với 2.154.967 ca tử vong và 55.325.998 ca hồi phục.
Số ca được tổng hợp từ dữ liệu do các cơ quan y tế quốc gia cung cấp và có thể chưa phản ánh đầy đủ số ca mắc thực tế trên toàn cầu. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 25 triệu ca mắc và 420.000 ca tử vong.
Tổng thống Biden đang quyết liệt đối phó đại dịch, đồng thời cho hay việc chủng ngừa toàn bộ dân số Mỹ là một thách thức lớn và chương trình của chính quyền tiền nhiệm “còn tồi tệ hơn chúng tôi nghĩ”.
“Đây là công việc của thời chiến chứ không hề cường điệu”, ông nói khi cho hay rằng Mỹ đang mua thêm 200 triệu liều vắc xin và “sẽ có đủ để tiêm chủng cho 300 triệu người trước mùa thu”.
Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Paris, Pháp
Tại châu Âu, Anh ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 100.000, và nhiều nước khác đang dự định siết chặt biên giới nhằm ngăn chặn các biến thể có mức độ lây nhiễm cao hơn.
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 ở châu Âu đang gặp trở ngại sau khi hãng AstraZeneca (Anh) cảnh báo về khả năng không đủ vắc xin giao cho các nước, 1 tuần sau khi hãng Pfizer (Mỹ) cho hay hãng đang hoãn số lượng bàn giao.
Trong tình hình đó, AstraZeneca khẳng định hãng không hề bán vắc xin Covid-19 do EU đặt cho các nước khác vì lợi nhuận.
Cách biệt ngày càng lớn trong việc cung ứng vắc xin Covid-19 giữa nước giàu và nước nghèo khiến Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích “chủ nghĩa dân tộc về vắc xin”.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/the-gioi/the-gioi-vuot-moc-100-trieu-ca-mac-covid-19-sau-1-nam-1334516.html