Không dừng lại ở những tác động mạnh mẽ vào thời điểm hiện tại, COVID-19 còn được dự báo sẽ là nguồn cơn của các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai.
“Tác động thảm khốc” của COVID-19 sẽ gây ra khủng hoảng toàn cầu trong nhiều năm tới. Ảnh: AFP
Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), COVID-19 đã gây ra “những tác động thảm khốc” đến toàn thế giới. Không chỉ là những rủi ro sức khỏe, an sinh xã hội khi đại dịch kéo dài mà còn vô vàn hậu quả về kinh tế, chính trị - những khía cạnh được dự báo sẽ có thể khủng hoảng trầm trọng trong nhiều năm tới.
Theo khảo sát thường niên của WEF về các rủi ro toàn cầu, bệnh truyền nhiễm và khủng hoảng sinh kế là “mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” đầu tiên trong suy nghĩ của nhiều người trong hai năm tới. Các tác động mạnh có thể kể đến như bong bóng tài sản hay bất ổn giá dẫn đến rất nhiều nỗi lo ngại trong từ 3 đến 5 năm tiếp theo.
WEF cho biết, hầu hết các quốc gia đều sẽ phải vật lộn với việc quản lý khủng hoảng trong thời kỳ trong và sau đại dịch. Vấn đề này sẽ làm nổi bật vai trò của các nhà lãnh đạo trong việc chuẩn bị cho bất kỳ cú sốc kinh tế lớn nào tiếp theo.
WEF cũng nói thêm: “Chi phí cho mọi nhu cầu kinh tế và con người do COVID-19 đặt ra là vô cùng lớn. Các phân nhánh do áp lực của bất ổn xã hội hay sự phân hóa chính trị, căng thẳng địa – chính trị sẽ định hình phản ứng của từng quốc gia đối với các mối đe dọa trong thập kỷ tiếp theo”.
Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù tác động của đại dịch là điều được quan tâm hàng đầu vào thời điểm hiện tại nhưng điều này không thể ngăn các sự kiện kinh tế, chính trị khác diễn ra. Như những năm trước, sự khắc nghiệt của thời tiết được coi là rủi ro có khả năng xảy ra cao nhất khi những hành động cải thiện biến đổi khí hậu của con người vẫn chưa thực sự tạo ra hiệu quả. Lần đầu tiên, bệnh truyền nhiễm “được” lọt vào top 5 mối nguy hại của thế giới trong cả thập kỷ vừa qua.
WEF đã đưa ra một vài khuyến nghị để tăng cường khả năng phục hồi, trong đó nhấn mạnh việc chống lại thông tin sai lệch, đặc biệt là khi vaccine COVID-19 được triển khai. Báo cáo cũng đã đưa ra ví dụ về trường hợp tung tin giả rằng uống rượu có nồng độ cồn cao có thể giết chết virus gây ra COVID-19. Thông tin thất thiệt này đã khiến nhiều người đặt niềm tin mù quáng dẫn đến cái chết của hơn 700 người và gần 6000 ca nhập viện do ngộ độc rượu ở Iran.
Nói rộng hơn, chính trị “hậu sự thật” (nền văn hóa chính trị liên quan đến những bối cảnh mà các thông tin khách quan trở nên kém ảnh hưởng lên việc định hình quan điểm công chúng, thay vào đó là cảm xúc và niềm tin cá nhân) có thể “khuyếch đại sự căm thù, làm tăng nguy cơ xung đột, bạo lực và vi phạm nhân quyền, đồng thời đe dọa triển vọng lâu dài cho việc phát triển dân chủ”.
Diễn đàn này cũng khuyến khích việc phân tích rủi ro tổng thể, đầu tư vào các nhà “vô địch rủi ro” để tăng cường hợp tác quốc tế và khám phá các hình thức quản lý rủi ro mới này sinh như quan hệ đối tác công – tư.
Theo WEF: “Nếu các bài học từ cuộc khủng hoảng này chỉ thông báo cho những người ra quyết sách cách chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo – thay vì nâng cao năng lực lãnh đạo và văn hóa xử lý rủi ro – thì thế giới sẽ chỉ có thể một lần nữa lên kế hoạch đối mặt với khủng hoảng chứ không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào tiếp theo”.
THEO BẢO TRÂN/LAO ĐỘNG (NGUỒN HINDUSTAN TIMES)
https://laodong.vn/the-gioi/tac-dong-tham-khoc-cua-covid-19-gay-ra-khung-hoang-trong-nhieu-nam-872338.ldo