Kính thiên văn vô tuyến mạnh nhất thế giới đổ sập ở Puerto Rico, sau nhiều thập kỷ săn lùng tín hiệu ngoài hành tinh.
Kính thiên văn bị đổ sập ở Puerto Rico. Ảnh: NSF
Kính thiên văn vô tuyến khổng lồ tại Đài quan sát Arecibo ở Puerto Rico đã bị rơi, chấm dứt hàng thập kỷ săn lùng tín hiệu ngoài hành tinh. Kính thiên văn trước đây đã bị hư hỏng và đóng cửa.
Đế thiết bị nặng 820 tấn của kính thiên văn bị đứt khỏi dây cáp thép và đâm xuyên qua đĩa rộng 305m bên dưới vào đêm 30.11 - RT dẫn Twitter của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) cho biết hôm 1.12.
Đài quan sát đã bị đóng cửa từ tháng 8, sau khi một dây cáp phụ bị đứt. Sau một vụ đứt cáp khác vào đầu tháng 11, NSF thông báo rằng các kỹ sư của họ đang làm việc để ngừng hoạt động kính thiên văn khổng lồ.
Trước hàng loạt rủi ro, kinh phí dành cho kính thiên văn đã giảm đều đặn trong thập kỷ qua, bất chấp sự phản đối của cộng đồng khoa học.
Đài quan sát Arecibo ngày 7.11.2020. Ảnh: Reuters/UCF
Các bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy đĩa bị vứt bỏ và rải rác đầy mảnh vỡ, trong khi ảnh chụp từ mặt đất cho thấy các tháp đỡ của kính thiên văn vẫn đứng vững nhưng không còn hỗ trợ cho bệ thiết bị khổng lồ.
Ban đầu được thiết kế để theo dõi các vệ tinh và tên lửa đạn đạo của Liên Xô vào những năm 1950, Đài quan sát Arecibo cuối cùng được xây dựng vào đầu những năm 1960 và chuyển sang mục đích không gian.
Được tài trợ bởi NSF và NASA, kính viễn vọng này đã đi đầu trong khám phá thiên văn trong hơn 5 thập kỷ. Nó được sử dụng để xác định chu kỳ quay của hành tinh sao Thủy, để chứng minh sự tồn tại của các ngôi sao neutron, chụp ảnh trực tiếp đầu tiên một tiểu hành tinh và theo dõi các vụ nổ vô tuyến bí ẩn từ những vùng xa nhất của không gian vũ trụ.
Dữ liệu từ Arecibo đã được sử dụng để tìm kiếm sự sống ngoài trái đất từ những năm 1970, và kính thiên văn được sử dụng vào năm 1974 để bắn "thông điệp Arecibo" 25.000 năm ánh sáng vào không gian. Thông điệp - một mẫu gồm các số 1 và các số 0 - bao gồm các con số, hình que tính, công thức hóa học và hình ảnh thô của chính kính thiên văn.
Kích thước khổng lồ và cấu trúc mang tính biểu tượng của kính thiên văn đã được sử dụng trong cảnh rượt đuổi cuối cùng của bộ phim Điệp vụ Mắt vàng "Goldeneye" với điệp viên 007 James Bond năm 1995.
Theo Song Minh/Lao động
https://laodong.vn/the-gioi/kinh-thien-van-manh-nhat-sap-sau-nhieu-nam-san-tin-hieu-ngoai-hanh-tinh-858938.ldo