Các nhà lãnh đạo G20 ngày 22-11 cam kết chi trả cho việc phân phối công bằng vắc-xin, thuốc và bộ xét nghiệm Covid-19 khắp thế giới để giúp nước nghèo không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch và nỗ lực phục hồi kinh tế.
G20 nhận định nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu khởi sắc nhưng khả năng phục hồi vẫn không đồng đều, không chắc chắn và có nhiều rủi ro. G20 cam kết tiếp tục sử dụng mọi chính sách sẵn có nếu cần thiết để bảo vệ việc làm và thu nhập cho người dân, khuyến khích ngân hàng phát triển đa phương tăng cường nỗ lực giúp các nước đối phó khủng hoảng kinh tế vì dịch Covid-19.
Tại hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi G20 từ nay đến cuối năm đầu tư thêm 4,5 tỉ USD vào một dự án toàn cầu về điều chế và phân phối vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19. Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Đức đã đóng góp gần 600 triệu USD cho nỗ lực này.
Nhân viên một phòng thí nghiệm cầm ống vắc-xin Sputnik V tại thủ đô Budapest - Hungary ngày 19-11Ảnh: Reuters
Cũng phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng cung cấp vắc-xin Sputnik V phòng Covid-19 cho các nước có nhu cầu. Ngoài vắc-xin Sputnik V, Nga cũng chuẩn bị sản xuất 2 loại vắc-xin khác. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước khác về nghiên cứu và phát triển, sản xuất, phân phối vắc-xin Covid-19. Năm ứng viên vắc-xin tiềm tàng của Trung Quốc hiện trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Nước Mỹ hiện ghi nhận hơn 12 triệu ca Covid-19, tăng hơn 1 triệu ca trong vòng chưa đầy 1 tuần. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân không nên đi lại trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn (ngày 26-11). Trong khi đó, chính quyền một số bang công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan thêm.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu cũng u ám không kém khi số ca mới gia tăng tại nhiều nước. Ông David Nabarro, đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới về Covid-19, hôm 22-11 thậm chí còn dự báo về một đợt bùng phát thứ 3 ở châu Âu vào đầu năm 2021 nếu chính phủ các nước vẫn không thực hiện những biện pháp được xem là cần thiết để ngăn làn sóng lây nhiễm thứ 2. Theo ông Nabarro, châu Âu đã bỏ lỡ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong những tháng mùa hè sau khi làn sóng thứ nhất được kiểm soát.
Theo Huệ Bình/Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/g20-ho-tro-phan-phoi-cong-bang-vac-xin-covid-19-20201122220323869.htm