Hội nghị G20 năm nay là phép thử đối với chủ nghĩa đa phương và hơn hết là sự gắn kết của chính nhóm này trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp chính trị đang diễn ra tại Mỹ và Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.
Năm 2020 này có thể xem là năm đặc biệt nhất trong lịch sử khi các nhà lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) phải lần thứ 2 trong năm nhóm họp theo hình thức trực tuyến. Diễn ra trong 2 ngày 21-22/11 dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch Saudi Arabia, Hội nghị là phép thử đối với chủ nghĩa đa phương và hơn hết là sự gắn kết của G20, trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp chính trị đang diễn ra tại Mỹ và đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen. Ảnh: Reuters
Gần 8 tháng sau cuộc họp trực tuyến bất thường diễn ra hồi cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu một lần nữa gặp nhau và cũng theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Saudi Arabia. Nếu như tại Hội nghị hồi mùa xuân, các nước đã cam kết làm mọi việc cần thiết để hạn chế tối đa những thiệt hại kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19, phục hồi tăng trưởng toàn cầu và duy trì sự ổn định của các thị trường, thì tới nay hầu hết các mục tiêu đều chưa đạt được, ngoại trừ việc phần nào đã giữ được các thị trường ổn định.
Cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, với “tâm chấn” hiện nay chính là Mỹ và châu Âu. Mọi dự báo cho đến nay đều cho thấy một sự tăng trưởng không như mong đợi trong năm nay và hi vọng duy nhất là sẽ có vaccine ngừa Covid-19 trong vài tháng tới.
Để hỗ trợ sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu, trong khuyến nghị gửi tới các lãnh đạo G20, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: “Tại Hội nghị G20, tôi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho đến khi sự phục hồi được tiến hành một cách vững chắc. Tôi cũng nhấn mạnh rằng sự phục hồi tập thể của chúng ta phải bền vững và bao trùm, phù hợp với chương trình nghị sự 2030 của LHQ và các mục tiêu phát triển bền vững, coi đây như kim chỉ nam cho mọi hành động”.
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva thì nhấn mạnh, một sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ không đủ nguồn cung vaccine. Bà ước tính, những tiến bộ nhanh hơn về các giải pháp y tế được chia sẻ rộng rãi có thể tăng thêm gần 9.000 tỷ USD vào thu nhập toàn cầu từ nay đến năm 2025.
Đáng chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, các nhà lãnh đạo sẽ phải thông qua thỏa thuận được các Bộ trưởng Tài chính nhất trí hôm 13/11 về tái cơ cấu nợ của hàng chục quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ của 73 nước nghèo nhất thế giới đã tăng 9,5% trong năm ngoái, lên 744 tỷ USD.
Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Tôi muốn phát đi lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp dành cho các nước đang phát triển. Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã thúc đẩy một gói giải cứu khổng lồ cho ít nhất 10% nền kinh tế toàn cầu. Các nước phát triển vẫn có đủ khả năng cung cấp những khoản cứu trợ khổng lồ cho xã hội của chính họ và họ đang làm như vậy. Nhưng thế giới đang phát triển lại đang trên bờ vực của sự tàn phá tài chính và nghèo đói”.
Trong một dấu hiệu cho thấy tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, cho tới tận trước thời điểm diễn ra Hội nghị, người ta vẫn chưa thể dự đoán được về quy mô của sự kiện, đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có tham dự hay không. Là nước chủ tịch Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), song bản thân chính quyền Tổng thống Trump tới nay vẫn chưa thể tổ chức được cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7./.
Theo Thu Hoài/VOV.VN (Tổng hợp)
https://vov.vn/the-gioi/thuong-dinh-g20-ban-cach-vuot-bao-covid-19-va-phuc-hoi-tang-truong-819049.vov