Với thỏa thuận Nagorno-Karabakh mới được ký kết, Nga muốn vẽ “lằn ranh đỏ” với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực có ý nghĩa quan trọng này.
Nga muốn tránh “đêm dài lắm mộng”
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành trung gian hòa giải cho thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Qua động thái này, nhà lãnh đạo Nga đã ngăn cản sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters
6 tuần giao tranh ác liệt giữa Azerbaijan và Armenia là phép thử với ảnh hưởng của Nga ở Nam Caucasus, một khu vực mà Nga đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sườn phía Nam của nước này.
3 lệnh ngừng bắn trước đó, ít nhất có một lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian hòa giải, đều đã sụp đổ. Trong lúc đó, Azerbaijan vô tình bắn hạ một trực thăng quân sự của Nga khiến 2 phi công thiệt mạng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp tục ủng hộ lực lượng Azerbaijan cả về quân sự và ngoại giao, song vẫn cố gắng tham gia vào các nỗ lực trung gian hòa giải.
Dù vậy, cuối cùng, ông Putin đã đạt được mục tiêu trong hơn 2 thập kỷ của Nga, đó là đưa các lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này vào khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời ngăn cản quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu vào khu vực khi phân công lực lượng này điều hành trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn ở bên ngoài.
Như vậy, Nga đã chấm dứt việc lực lượng Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tiếp tục chiếm giữ khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời tái khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng việc trở thành trung gian hòa giải cho một thỏa thuận không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ là một bên ký kết.
"Thỏa thuận ngày hôm nay theo nhiều cách đã đáp ứng được các lợi ích cốt lõi của Nga trong cuộc xung đột và có lẽ là kết quả tốt nhất (ít nhất là trong ngắn hạn) mà Moscow có thể đạt được", Alexander Gabuev, một học giả cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định.
"Nga đã đưa 2.000 binh lính gìn giữ hòa bình vào Nagorno-Karabakh, điều mà Moscow từng muốn thực hiện từ năm 1994 nhưng chưa thể thực hiện. Việc sẽ không có lực lượng gìn giữ hòa bình có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ ở đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng với Moscow".
Ván cược của Thổ Nhĩ Kỳ
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thỏa thuận ngừng bắn trên là một "thành công quan trọng" với đồng minh Azerbaijan, trong khi Tổng thống Erdogan, người hiện vẫn chưa bình luận gì, đã miêu tả sự ủng hộ của Ankara với Azerbaijan là một phần trong hành trình của Thổ Nhĩ Kỹ nhằm tìm kiếm "một vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới".
Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall Đức - một nhóm nghiên cứu ở Alasja nhận định, sự hiện diện của Nga trong khu vực không phải là điều tốt với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan song vị thế của Azerbaijan hiện nay đã mạnh hơn nhiều so với cách đây 6 tuần.
"Azerbaijan đã đạt được thành công lớn trên thực địa và điều này càng được củng cố bởi lệnh ngừng bắn này".
Nhóm Eurasia Group cho rằng do đó, ông Erdogan có lẽ không quá bất mãn về các diễn biến hiện nay.
"Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ một số vai trò nào đó nhưng rõ ràng vai trò của nước này vẫn xếp sau Nga. Dù vậy, ông Erdogan có thể vẫn hài lòng với việc này. Sự hậu thuẫn về mặt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan đã tạo nên khác biệt lớn so với "cái giá" mà Thổ Nhĩ Kỳ phải bỏ ra, đồng thời giúp Ankara có một vài ảnh hưởng nhất định với Nga", nghiên cứu của Eurasia Group đánh giá.
Theo thỏa thuận trên, các lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được vũ trang sẽ ngăn cản xung đột, khiến cho Azerbaijan và các lực lượng ủy nhiệm do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ không thể tiến hành thêm các cuộc tấn công.
Tuy nhiên, có khả năng Nga sẽ phải chia sẻ các lợi ích bởi nước này có một hiệp ước quốc phòng với Armenia và duy trì một căn cứ quân sự tại đây.
Thỏa thuận vừa mới đạt được tại Nagorno-Karabakh trên đã khiến nhiều người dân Armenia tức giận, đồng thời đặt Thủ tướng nước này là Pashinyan đứng trước sức ép bởi Armenia phải ký thỏa thuận chấm dứt xung đột trong bối cảnh nhiều khu vực tại Nagorno-Karabakh đang do phía Azerbaijan kiểm soát.
Chỉ ít giờ sau khi thỏa thuận được tuyên bố, ngay trong đêm, hàng nghìn người Armenia đã xuống đường biểu tình phản đối. Họ đổ dồn về các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Yerevan la hét và đập phá.
Các đảng phái đối lập đã kêu gọi ông Pashinyan từ chức trong khi Thủ tướng Armenia phải lên tiếng phủ nhận các cáo buộc nói rằng ông đã chạy khỏi đất nước.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ định hình cuộc chơi khu vực?
Thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian ở Nagorno và Karabakh sẽ gia tăng sức mạnh của Moscow và Ankara tại khu vực Nam Caucasus, đồng thời đảm bảo an ninh giữa Armenia và Azerbaijan khi các nước phương Tây vắng mặt trong cuộc chơi này.
Giống như các cuộc xung đột ở Libya và Syria, một lần nữa, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ các bên đối lập nhau.
"Đây hoàn toàn là một sự sắp xếp địa chính trị mới", Fyodor Lukyanov, một chuyên gia chính trị nhận định. Sự sắp xếp này đã loại bỏ sự tham gia của Pháp và Mỹ, vốn là 2 nước cùng với Nga thành lập nên Nhóm Minsk OSCE và chủ trì các cuộc trao đổi kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994 nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan cho tới nay.
Tuy nhiên, Nhóm Minsk có rất ít vai trò trong việc đàm phán nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh năm 2020. Trong khi đó, với sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã tiến hành các cuộc tấn công trong 6 tuần, chiếm được Shusha, một thành phố có vị trí chiến lược ở Nagorno-Karabakh, đồng thời đang đe dọa đến thành phố Stepanakert lớn nhất khu vực cho tới khi Nga đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào.
"Nhóm Minsk cơ bản không còn tồn tại nữa. Việc quân đội Armenia bị đánh bại nghĩa là tình trạng trước đó không thể khôi phục. Điều này cũng tức là vai trò của Nga như một bên đảm bảo sự ổn định là điều mà cả hai bên đều cần", nhà phân tích Lukyanov cho hay.
Theo chuyên gia này, ý tưởng trong thỏa thuận trên là để Azerbaijan thắng nhưng không hoàn toàn thắng.
Hôm 10/11, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai tới Nagorno-Karabakh. Thông báo này đã khiến nhiều người Armenia kinh ngạc và cho rằng họ đã bị lừa dối trong thỏa thuận vừa ký kết trên. Sau đó, Nga đã nhanh chóng can thiệp và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải một đối tác chính thức của thỏa thuận hòa bình.
Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột là điều đã quá rõ ràng khi Ankara bán các máy bay không người lái quan trọng cho Azerbaijan.
Hiện nay, mọi ánh mắt đều dồn vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh khi đây là nhân tố chủ chốt duy nhất đảm bảo một lệnh ngừng bắn mong manh./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN
nguồn Reuters, The Guardian
https://vov.vn/the-gioi/thoa-thuan-nagorno-karabakh-moi-ky-ket-nga-ve-lan-ranh-do-voi-tho-nhi-ky-816733.vov