BTGTV- Với sự phát triển của nền kinh tế, lựa chọn làm việc trên chính quê hương đang là lựa chọn của nhiều người, tuy nhiên để lao động “Ly nông bất ly hương” vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để thật sự phát huy hiệu quả lâu dài, đặc biệt đối với thanh niên – lực lượng lao động có trình độ và tri thức xong lại thiếu môi trường, điều kiện để có thể phát huy hết năng lực của mình.
Thời gian qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết được việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại chỗ, thông qua việc phát triển chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại... Điều quan trọng trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu lao động là cần phải tính đến nhu cầu lao động cho khu vực nông thôn để đáp ứng không chỉ vấn đề sản xuất bảo đảm an ninh lương thực mà còn phải giải quyết cả vấn đề xã hội.
Làm kinh tế trên chính quê hương mình hiện là lựa chọn của nhiều người
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang hiện Sở đang tích cực phối hợp chặt chẽ các địa phương để tiến hành thẩm định cho vay vốn, giải quyết việc làm trong đó ưu tiên khuyến khích lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã nông nghiệp; kinh tế dịch vụ, công nghiệp chế biến nông sản; làng nghề thủ công mỹ nghệ, trên cơ sở đó để sử dụng lao động dư thừa, nông nhàn và những người có tay nghề ở địa phương, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh có kế hoạch, chương trình đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu tuyển dụng lao động.
Anh Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1987- xã Thanh Hải, Lục Ngạn) sau khi nghỉ việc tại một Công ty may xuất khẩu với mức lương 6 triệu đồng/tháng đã lựa chọn chính mảnh đất quê hương để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, trang trại nuôi ong tuy không lớn song đã mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Anh Tiến chia sẻ: “Phong trào thanh niên khởi nghiệp hiện rất phổ biến, tuy nhiên nhiều người không nhận ra tiềm năng ngay tại nơi “chôn rau cắt rốn” của mình, chế độ chính sách hỗ trợ thanh niên hiện rất thông thoáng, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực và quyết tâm sẽ mang lại thành quả dù có ở bất kỳ đâu”.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển kinh tế, các mô hình CLB “Ly nông bất ly hương” cũng là cách “giữ chân” nhiều lao động tại nông thôn. Đây được xem là diễn đàn của những thanh niên làm việc ngay trên quê hương mình với nhiều hoạt động tìm hiểu, thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao đời sống tinh thần thông qua các sân chơi văn hóa, văn nghệ thể thao... Theo Hội LHTN tỉnh, từ số ít đơn vị ban đầu như tại xã Hợp Thịnh, xã Đại Thành (Hiệp Hòa), Xuân Phú (Yên Dũng), An Hà (Lạng Giang), CLB đã nhân rộng ở các huyện Tân Yên, Lục Nam... toàn tỉnh hiện có khoảng 25 CLB, thu hút hơn 600 đoàn viên thanh niên tham gia.
Thanh niên là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương
Bắc Giang là tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, tuy nhiên để “giữ chân” họ ở lại quê hương vẫn là bài toán nan giải với nhiều địa phương khi mà các thành phố lớn với nhiều điều kiện thuận lợi để tìm kiếm việc làm. Do đó, song hành với công tác đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật, trao “cần câu cơm” đến lực lượng thanh niên nông thôn, rất cần đến sự gắn kết của các tổ chức đoàn thể trong hoạt động xã hội, giúp lực lượng lao động trẻ thêm tin tưởng, gắn bó và chung sức xây dựng quê hương.
Minh Anh