Chỉ với một vài lưu ý đơn giản, người dùng đã có thể giảm tới 95% nguy cơ dẫn đến cháy nổ của các thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng, laptop,...
Số vụ cháy/nổ điện thoại gây thương tích cho người sử dụng đang ngày một gia tăng, thậm chí mới đây đã khiến một CEO người Malaysia thiệt mạng tại nhà riêng. Điều này khiến cho không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng khi những thiết bị kế bên có thể bất ngờ biến thành "quả bom" di động bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên trên thực tế, việc đảm bảo an toàn cho chiếc smartphone không hề khó khăn như chúng ta vẫn lầm tưởng. Người dùng chỉ cần làm theo một vài lời khuyên đơn giản bên dưới đây là đã có thể giảm tới 95% nguy cơ dẫn đến cháy nổ của các thiết bị di động.
1. Sử dụng dây cáp và sạc chính hãng
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại cáp sạc, củ sạc điện thoại, laptop,... với nhiều mẫu mã và giá tiền khác nhau. Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia, luôn là tốt nhất nếu bạn sử dụng cáp sạc nguyên bản của nhà sản xuất đi kèm với thiết bị.
Việc sử dụng các loại đầu sạc, cáp sạc fake, làm giả với chất lượng kém hơn,... là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chập điện, và thậm chí là cháy, nổ trên thiết bị di động.
2. Sử dụng pin nguyên bản
Cũng giống như thiết bị sạc, thì pin cũng là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn dến tình trạng cháy, nổ. Hiện chỉ có một dòng thiết bị duy nhất bị thu hồi do thiết kế pin không đảm bảo an toàn là Galaxy Note7. Do đó, chúng ta có thể phần nào yên tâm khi sử dụng cục pin "chính hãng" được kiểm duyệt an toàn của các thương hiệu smartphone.
3. Tránh sạc quá lâu
Cắm sạc quá lâu có thể khiến thiết bị và cục pin nóng lên, từ đó tăng cao nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế sử dụng những tác vụ nặng (như chơi game, xem video, xử lý đồ họa) trong lúc đang cắm sạc, vì vừa hại pin, lại khiến máy nóng hơn rất nhiều.
4. Tránh ánh sáng trực tiếp
Tránh đặt smartphone tại những nơi có trực tiếp nguồn sáng chiếu vào, thí dụ như phần đầu xe, hay gần cửa sổ trong thời gian dài. Bên cạnh đó cũng tránh đặt điện thoại vào túi quần sẫm màu khi ngoài trời nắng to, vì màu đen sẽ gây tình trạng hấp nhiệt vào bên trong, và đặt chiếc điện thoại vào tình trạng nguy hiểm.
5. Sửa điện thoại tại những địa chỉ uy tín
Lưu ý sửa chữa, thay thế điện thoại tại những cơ sở uy tín nhằm đảm bảo nguồn linh kiện, hạn chế tình trạng thay chi tiết cũ hoặc kém chất lượng vào máy, và làm tăng tỉ lệ gặp sự cố sau này.
6. Lưu ý khi sạc điện thoại
Khi đang cắm sạc điện thoại, cần lưu ý không đặt lên bề mặt bằng vải, nỉ, len,.. hoặc các chất thoát nhiệt kém. Bên cạnh đó nếu có thể, hãy bỏ ốp điện thoại khi sạc nhằm giúp máy thoát nhiệt tốt nhất có thể.
Đặc biệt lưu ý không đè vật nặng như túi xách, ba lô, sách dày, hoặc ngồi lên điện thoại khi đang sạc, có thể khiến viên pin bị ép chặt dẫn tới cháy, nổ.
Theo Dân trí