Việc áp dụng công nghệ VAR giúp trọng tài xác định chính xác hơn các tình huống việt vị "nhạy cảm" mà hai trọng tài biên không nhận thấy
World Cup 2018 là kỳ đầu tiên được FIFA áp dụng công nghệ VAR vào các trận đấu nhằm tạo tính chính xác và công bằng trong các tình huống. Có bốn trường hợp áp dụng VAR, đó là xác định bàn thắng, hành vi phạm lỗi trong vòng cấm dẫn đến penalty, tình huống dấn đến thẻ đỏ trực tiếp và các sai lầm trọng tài khi nhận diện cầu thủ. Trong số này, việc bắt việt vị là một phần nhiệm vụ của VAR.
Đầu tiên, hiểu đơn giản việt vị là tình huống xảy ra khi một cầu thủ đội mình đứng ở vị trí gần đường biên ngang cuối sân hơn cầu thủ đội bạn (trừ thủ môn) tính từ thời điểm chuyền bóng và nhận bóng của đồng đội. Các điều kiện việt vị phức tạp hơn, song cơ bản nó sẽ được hiểu như trên.
Theo Telegraph, hệ thống VAR bao gồm một phòng điều khiển với bốn trọng tài ngồi bên trong và quan sát hình ảnh truyền về từ camera. Trước đây, các máy quay sẽ hướng ra toàn sân, trong đó một camera tổng quan được đặt chính giữa vạch vôi và chiếu theo hướng bóng lăn nhằm theo dõi bao quát. Điều này có thể dẫn đến các góc quay bị lệch và có thể nhận diện sai tình huống.
Tuy nhiên, với camera áp dụng cho VAR, các camera sẽ đặt theo các góc chiếu thẳng và việc quay lại sẽ thay đổi liên tục tùy theo tình huống để theo dõi các cầu thủ. Điều này giúp góc quay luôn thẳng, giúp xác định tình huống việt vị rõ ràng hơn.
Hình ảnh đưới đây cho thấy điều đó:
Tình huống xác định đối với góc quay thông thường (bên trái) có thể thấy cầu thủ đã việt vị, nhưng nếu sử dụng hệ thống camera của VAR (bên phải) thì không, vì khi chuyền, cầu thủ của cả hai đều đứng ngang hàng.
"Trong hệ thống máy quay, có hai máy làm nhiệm vụ xác định tình huống việt vị, đặt ở giữa hai phần sân mỗi bên. Nó sẽ giúp góc quay được xác định chính xác hơn", đại diện Hawk-Eye Innovations, công ty tài trợ và lắp đặt hệ thống VAR cho World Cup 2018, cho biết.
Hai camera màu vàng đặt ở giữa mỗi phần sân làm nhiệm vụ ghi lại các tình huống việt vị.
VAR là viết tắt của cụm từ Video Assistant Referees, có vai trò chính là hỗ trợ việc ra quyết định của các trọng tài chính trên sân cỏ thông qua quá trình phân tích trực tiếp video hình ảnh của các tình huống va chạm, sút phạt, ghi bàn... trên sân. "Bộ não" của hệ thống VAR là một phòng vận hành video tập trung (VOR) được đặt tại Trung tâm truyền thông quốc tế IBC ở thủ đô Moskva (Nga), nơi thu nhận thông tin truyền về bằng cáp quang từ 12 sân vận động nơi diễn ra các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018. Các thông tin dạng video này được truyền về từ 33 camera khác nhau, trong đó có 8 camera quay chậm và 6 camera quay siêu chậm tại mỗi sân vận động.
Lần đầu tiên VAR được áp dụng tại World Cup 20108 là trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Khi đó, công nghệ này đã xác định Diego Costa không phạm lỗi với Pepe và sau đó cầu thủ của Tây Ban Nha đã ghi bàn thắng gỡ hòa.
Theo VnExpress