Thành phố thông minh số hoá bằng IOT, AI, Cloud... được dự đoán xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương những năm tới.
Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã đặt mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo báo cáo chia sẻ tại Ngày sáng tạo Huawei châu Á - Thái Bình Dương lần thứ tư vừa diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), đang có rất nhiều quốc gia và nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặt mục tiêu tạo lập các thành phố thông minh trong tương lai gần, trong tham vọng chuyển đổi xã hội, kinh tế sang nền tảng kỹ thuật số. Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia... hay Sirilanka, Ấn Độ đều đã có những bước triển khai lớn trong vòng 10 năm gần đây.
Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những thị trường mới nổi sôi động nhất trên thế giới và đang đối mặt với làn sóng số hoá các ngành, các lĩnh vực, với một nền kinh tế số đang phát triển theo bước nhảy vọt mỗi ngày. Với áp lực đô thị ngày càng tăng lên theo từng năm, khái niệm Thành phố thông minh đã được phát triển như một cách tiếp cận để phát triển đô thị một cách bền vững. Ngày càng có nhiều chính phủ xây dựng các thành phố thông minh thông qua các công nghệ ICT tiên tiến, như điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn và di động.
Các công nghệ này tổng hợp, chia sẻ và hội tụ các tài nguyên trên toàn thành phố để cung cấp các dịch vụ thông tin thời gian thực, hiệu quả và thông minh.
Thành phố thông minh sẽ định hình lại cách cung cấp và quản lý các dịch vụ công, chuyển đổi cách cư dân đi lại, làm việc, học tập, tương tác, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ, và giải trí.
Tại hội nghị Ngày sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương 2018, ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái kỹ thuật số và cho rằng cơ sở hạ tầng là một trong những bước đi cần thiết ban đầu trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nền kinh tế.
"Nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á-TBD đã xác định hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, nhưng sự phát triển không đồng đều", ông nói. Khoảng cách giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đang ngày càng mở rộng, và cho thấy sự xuất hiện của hiệu ứng Matthew, nơi các nền kinh tế tiên tiến kỹ thuật số tạo ra lợi nhuận lớn hơn trên cơ sở hạ tầng của họ và vượt hơn các nền kinh tế kém phát triển.
Ông cũng phân tích nhu cầu kỹ thuật số của một quốc gia theo biểu đồ phân cấp nhu cầu của Maslow. "Nhu cầu kỹ thuật số có thể được phân chia thành các lớp khác nhau: cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn, số hóa các ngành và phát triển một 'bộ não số'. Ở cấp độ cao hơn trong hệ thống phân cấp, các chính phủ cần nhiều nguồn tài nguyên hơn để tích hợp các cơ quan chính phủ, và nhiều ngành công nghiệp và đối tác cần phải hợp tác với nhau hơn nữa". Theo ông Guo Ping, các nền kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể cùng hợp tác để vượt trước xu hướng này.
Trung tâm điều hành thông minh trong giải pháp Smart City của Huawei chỉ bao gồm màn hình và một máy tính cơ bản có kết nối mạng, nhờ sử dụng nền tảng điện toán đám mây.
Dù không phải là quốc gia đi đầu, Thái Lan hứa hẹn là nền kinh tế về đích sớm nhất trong cuộc đua về thành phố thông minh, số hoá nền kinh tế và chuyển đổi xã hội sang kỹ thuật số. Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Cơ quan Sáng tạo Quốc gia Thái Lan đã ký Bản ghi nhớ (MoU) với Huawei Technologies, một phần nằm trong chiến lược phát triển ICT Thái Lan 4.0.
Theo VnExpress