Dữ liệu được chia sẻ cho 60 công ty sản xuất smartphone mà chưa có sự đồng ý của người dùng, nhưng Facebook cho rằng điều này là "hợp pháp".
CEO Facebook phải ra điều trần ở Mỹ và châu Âu sau bê bối rò rỉ dữ liệu.
Theo báo cáo từ New York Times hôm nay, Facebook được cho là đã âm thầm thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với hàng chục nhà sản xuất thiết bị di động, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Apple, Microsoft, Samsung, BlackBerry. Những công ty này được mạng xã hội lớn nhất thế giới cung cấp quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu mà chưa có sự đồng ý từ phía người dùng trong gần 10 năm qua.
Thậm chí, một số nhà sản xuất còn có thể truy xuất thông tin cá nhân của người dùng từ bạn bè trên Facebook của họ, bao gồm thông tin ở chế độ riêng tư, tức chưa từng chia sẻ với bất kỳ ai trên Facebook.
Trong một thử nghiệm, phóng viên của New York Times đã sử dụng tài khoản Facebook với 550 bạn và chiếc smartphone BlackBerry ra mắt năm 2013 nhằm kiểm tra xem thiết bị này yêu cầu và nhận loại dữ liệu gì. Khi kết nối với tài khoản, lập tức thiết bị yêu cầu truy cập một loạt dữ liệu quan trọng, như ID, tên, vị trí, email, hình ảnh, số điện thoại, thậm chí là tin nhắn và danh bạ bên trong máy.
Những dữ liệu này sau đó đổ về một ứng dụng có tên "The Hub". Thiết bị có thể thu thập tối đa 295.000 "thông tin nhận dạng" của người dùng Facebook, gồm bạn và bạn của bạn của tài khoản đó. Khoảng 50 loại thông tin khác nhau bị thu thập.
Ime Archibong, Phó chủ tịch mảng sản phẩm của Facebook, thừa nhận vấn đề nhưng cho rằng thỏa thuận trên là "điều cần thiết" để nâng cao trải nghiệm của người dùng. "Trong những ngày đầu điện thoại di động bùng nổ, chúng tôi gặp khó trong việc xây dựng một phiên bản phù hợp hoạt động tốt trên mọi điện thoại, trên mọi hệ điều hành. Điều đó buộc Facebook phải xây dựng một bộ API cho phép các đối tác sản xuất di động thu thập dữ liệu để tùy biến theo nền tảng của họ", Archibong nói.
Phía BlackBerry cho biết, "The Hub" là một kênh riêng chỉ được tích hợp trên BlackBerry OS, không có trên các mẫu chạy Android sau này. Apple thừa nhận đã áp dụng việc khai thác dữ liệu người dùng từ Facebook, nhưng cho biết đã không còn làm điều đó từ tháng 9/2017. Samsung, Amazon và những công ty khác từ chối trả lời.
Mối quan hệ đối tác này tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về chính sách quyền riêng tư, vi phạm thỏa thuận năm 2011 với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Trong thỏa thuận này, mạng xã hội phải nhận được sự đồng ý rõ ràng từ phía người dùng trước khi chia sẻ dữ liệu của họ cho bên thứ ba.
Trước đó, Facebook đã phải đối mặt với bê bối 87 triệu thông tin người dùng bị lộ. Số dữ liệu này được cho là bị Cambridge Analytica lợi dụng cho cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Scandal khiến CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần tại Mỹ và châu Âu.
Theo VnExpress