Năm 2017, tổng doanh thu phát sinh công nghệ thông tin ước đạt 1,723 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 13,15%). Trong đó doanh thu phần cứng ước đạt 1,507 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 37.000 tỷ đồng (tăng khoảng 7,81% so với năm 2016).
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Thông tin trên được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngày 22/12 tại Hà Nội.
Tính tới nay, có khoảng 27.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, 4 Khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động.
Vẫn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Hiện, số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, 100% số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức cấp Bộ, cấp tỉnh được kết nối Internet băng rộng và 19/21 bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo đã triển khai mạng WAN, trong đó đã kết nối với 84% số đơn vị trực thuộc.
Trên quy mô quốc gia, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai, kết nối đến cấp sở/ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về nhân lực, trong những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng đào tạo về Công nghệ thông tin, Ðiện tử-Viễn thông giữ ổn định ở con số khoảng 290 trường. Mặc dù số chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ tuyển sinh lại giảm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù nhiều sinh viên ngành này ra trường không có việc làm nhưng các doanh nghiệp lại thiếu nhân lực trầm trọng. Một trong các lý do là chất lượng nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là thiếu kỹ năng làm việc thực tế, kỹ năng mềm và ngoại ngữ./.
Theo Trung Hiền/ Vietnamplus