Apple, Facebook, Google... đều có tên trong danh sách những sự kiện "không muốn nhắc tới" của làng công nghệ năm nay.
Vụ hack thế kỷ - Equifax
Ngày 7/9, Cơ quan báo cáo tín dụng Mỹ Equifax thông báo hệ thống máy tính của họ bị tin tặc tấn công, ảnh hưởng đến gần 145 triệu khách hàng, tức tương đương với nửa dân số Mỹ. Tin tặc đã đánh cắp các dữ liệu quan trọng như tên, số an sinh xã hội, ngày sinh, địa chỉ và số giấy phép lái xe. Số thẻ tín dụng của khoảng 209.000 người và hồ sơ tranh chấp tín dụng của 182.000 người có thể cũng đã bị thu thập. CEO Equifax Richard Smith buộc phải từ chức và giới phân tích nhận định, hậu quả của vụ tấn công sẽ còn kéo dài trong nhiều năm.
Facebook, Twitter và các tài khoản giả mạo từ Nga
Facebook từng tuyên bố tin giả trên mạng xã hội của họ chỉ chiếm chưa đến 1% và không ảnh hưởng tới tính chân thực của thông tin mà người dùng tiếp cận. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9/2017, Facebook thay đổi lời nói sau khi tìm ra bằng chứng cho thấy các tài khoản có xuất xứ từ Nga đã mua hàng nghìn quảng cáo nhằm "khuếch đại" các thông điệp chia rẽ chính trị trong cuộc bầu cử Mỹ. Twitter cũng khẳng định 5% trong tổng số 330 triệu tài khoản của họ là giả mạo.
Mark Zuckerberg đã đăng lời xin lỗi trên trang cá nhân vì những tác động tiêu cực mà mạng xã hội đã gây ra trên toàn thế giới: "Bằng cách nào đó, Facebook đang được sử dụng để chia rẽ nhiều hơn là kết nối mọi người. Tôi mong được tha thứ và sẽ cố gắng làm tốt hơn". Lãnh đạo Facebook, Twitter và Alphabet (công ty mẹ của Google) cũng đã phải ra điều trần trước Quốc hội về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ hồi cuối tháng 10.
Sự mờ nhạt của iPhone 8
So với các smartphone đối thủ, iPhone 8 vẫn thành công về mặt doanh số. Nhưng điện thoại này được các trang công nghệ đánh giá là một sản phẩm "gần như thất bại" bởi nó quá mờ nhạt khi đứng cạnh iPhone X. Apple cũng tỏ ra thờ ơ với iPhone 8 khi gần như không thay đổi thiết kế cho sản phẩm trong khi các tính năng cũng không mấy nổi trội so với iPhone 7. Ngay sau khi được bán ra, iPhone 8 cũng gặp sự cố pin phồng rộp khiến màn hình bật khỏi khung máy.
Năm 2017 còn chứng kiến một thất bại khác của Apple là sự trì hoãn của bộ loa HomePod. HomePod là thiết bị thứ hai sau Apple Watch được Apple tung ra ở thời kỳ "hậu Steve Jobs" nên rất được giới hâm mộ kỳ vọng. Ban đầu Apple dự kiến bán loa vào tháng 12/2017 nhưng sau đó tuyên bố cần thêm thời gian để mọi thứ sẵn sàng hơn và HomePod sẽ được bán tại Mỹ, Anh và Australia vào đầu năm 2018.
YouTube thất bại trong việc lọc nội dung độc hại
Google đang phải áp dụng công nghệ "máy học" (machine learning) và các công cụ khác để tăng kiểm duyệt nội dung trên YouTube sau khi có nhiều báo cáo cho thấy kênh chia sẻ video này phân phối các đoạn phim không phù hợp tới trẻ em. YouTube Kids, chương trình video dành riêng cho trẻ nhỏ, bị chỉ trích vì đã gợi ý các nội dung rùng rợn, video chứa hình ảnh nhạy cảm…
Một số video hướng tới trẻ em nhưng không phù hợp như phim về Spiderman nhưng có các nhân vật mặc bikini hở hang, Peppa Pig bị tra tấn bởi bác sĩ hay video Công chúa Elsa trong trang phục "thiếu vải". Tại Việt Nam, nội dung người lớn "đội lốt" video trẻ em cũng xuất hiện tràn lan trên YouTube.
Nỗi thất vọng Essential Phone
Điện thoại Essential Phone dường như hội tụ đủ mọi yếu tố mà người dùng mong đợi: là sản phẩm của cha đẻ Android Andy Rubin, có thiết kế đột phá với màn hình tràn viền cùng mức giá "dễ chịu" 699 USD so với những sản phẩm gần nghìn đô đến từ Apple hay Samsung.
Tuy nhiên, Essential Phone liên tục bị trì hoãn khiến người dùng mệt mỏi. Khi bán ra, thiết bị lập tức gây thất vọng vì camera chụp ảnh quá kém khiến doanh thu èo uột, buộc nhà sản xuất phải hạ giá bán từ 699 USD xuống 499 USD chỉ sau hai tháng trình làng.
Internet tại Mỹ không còn bình đẳng
Năm 2015, Mỹ phê chuẩn điều luật Net Neutrality - quy định dữ liệu trên mạng phải được đối xử một cách công bằng. Nhưng đến ngày 14/12/2017, với tỷ lệ bỏ phiếu 3-2, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã xóa bỏ Net Neutrality. Đồng nghĩa, các nhà cung cấp dịch Internet không còn bị ngăn cản bởi các điều luật, có thể thoải mái "làm giá", chặn, bóp băng thông của bất kỳ dịch vụ, website, ứng dụng nào và ưu tiên những nội dung mà họ thích.
Nhiều người dùng Mỹ lo ngại viễn cảnh phải trả thêm tiền để có thể sử dụng Internet như mong muốn, trong khi các nhà cung cấp nội dung như Google, Netflix hay Spotify có thể phải nhún mình và chi thêm tiền để dữ liệu của họ không bị chặn hoặc được ưu tiên. Việc xóa bỏ Net Neutrality không chỉ gây tác động tại Mỹ mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác vì Google hay Facebook đều đang cung cấp dịch vụ toàn cầu.
Theo Minh Minh/VnExpress